14:31 ICT Thứ sáu, 26/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội

“Phát biểu lố”, kiểm sát viên bị kiểm điểm

Thứ tư - 19/09/2012 08:43
Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Vị kiểm sát viên phát biểu cả về tính hợp pháp và có căn cứ của các chứng cứ, thậm chí còn nhận xét rằng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở.
 

 

Theo luật, đại diện VKS tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng nhưng nhiều người lại có thói quen “lấn sân” sang cả phần nội dung. Mới đây, một kiểm sát viên đã bị kiểm điểm vì lỗi vượt quá thẩm quyền này…

VKSND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản trả lời ông ĐNQ, nguyên đơn trong vụ tranh chấp với các thành viên khác của Công ty TNHH Kim Anh. Theo đó, VKSND tỉnh thông báo đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm kiểm sát viên tham gia phiên xử sơ thẩm vụ án này vì… phát biểu lố thẩm quyền.

Bị phản ánh vì “phát biểu lố”

Theo hồ sơ, Công ty TNHH Kim Anh là một công ty gia đình, thành lập từ năm 1992 do ông Q. làm tổng giám đốc. Năm 2010, ông Q. đã khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Sóc Trăng công nhận toàn bộ số vốn và tài sản công ty hiện có là của ông, bác bỏ tư cách thành viên của mẹ ruột và bốn anh chị em khác. Ông Q. cho rằng chỉ nhờ mẹ và các anh chị em đứng tên giùm làm thành viên trong điều lệ công ty và trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm hợp thức hóa thủ tục thành lập công ty mà thôi.

Tháng 5-2012, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở phiên xử sơ thẩm, có sự tham gia của đại diện VKSND tỉnh. Sau phiên xử này, dù thắng kiện nhưng ông Q. vẫn làm văn bản gửi VKSND tỉnh Sóc Trăng và VKSND Tối cao phản ánh vi phạm của kiểm sát viên tại phiên tòa và yêu cầu xem xét, xử lý.

Theo ông Q., phần phát biểu tại tòa của kiểm sát viên đã vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Theo luật, tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ được phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, HĐXX; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án. Trong khi đó, vị kiểm sát viên của VKSND tỉnh Sóc Trăng lại phát biểu cả về tính hợp pháp và có căn cứ của các chứng cứ trong vụ án, thậm chí còn nhận xét rằng yêu cầu khởi kiện của ông là không có cơ sở…

Phải rút kinh nghiệm

Mới đây, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã trả lời bằng văn bản cho ông Q., thông báo rằng đã tiến hành xác minh và nhận thấy việc làm của kiểm sát viên như trên là không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định. Vì vậy, VKSND tỉnh đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với kiểm sát viên.

Song song đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng lý giải rằng tại thời điểm diễn ra phiên tòa, Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi chưa được VKSND Tối cao và TAND Tối cao hướng dẫn cụ thể. Sự nhận thức của các cán bộ tố tụng với điều luật trên còn có sự khác nhau nên kiểm sát viên mới để xảy ra sai sót. VKSND tỉnh cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới ông Q. vì đã phản ánh những vấn đề liên quan đến công việc của đơn vị. Những phản ánh này giúp VKSND tỉnh thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ kiểm sát đúng theo quy định của pháp luật.

Quy định đã rõ

Về việc phát biểu của đại diện VKS tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, Pháp Luật TP.HCM đã từng đăng bài phân tích sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (tháng 3-2011).

Thời điểm ấy, cũng có ý kiến phàn nàn là Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi có hai điều luật chỏi nhau về vai trò của VKS trong phiên tòa dân sự sơ thẩm, dẫn tới những cách hiểu khác nhau. Một điều thì cho phép kiểm sát viên được phát biểu cả về mặt nội dung lẫn tố tụng, còn điều khác thì chỉ cho phát biểu về tố tụng.

Cụ thể, khoản 1 Điều 197 quy định: “Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn…; nghe kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án”. Còn khoản 1 Điều 234 quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán…”.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định hai điều luật trên không mâu thuẫn. Bởi Điều 197 là quy định chung có tính nguyên tắc, còn Điều 234 là sự cụ thể hóa quy định tại Điều 197. Cho nên cơ quan tố tụng phải vận dụng điều luật cụ thể, tức kiểm sát viên chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật về tố tụng.

Đã có hướng dẫn

Ngày 1-8, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 04-2012 (có hiệu lực từ ngày 15-9), hướng dẫn về giới hạn phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm.

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 04, tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp, kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về các nội dung sau:

Phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, HĐXX trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án...

Phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án, không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án...

Ý kiến phát biểu của VKS phải được thể hiện bằng văn bản có chữ ký của kiểm sát viên tham gia phiên tòa và gửi cho tòa trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, để lưu vào hồ sơ vụ án dân sự.

Nên áp dụng cả cho phiên phúc thẩm

Thực tế khi hành nghề, tôi gặp nhiều trường hợp kiểm sát viên phát biểu lố thẩm quyền nhưng khi phản ánh thì không bao giờ được ghi nhận. Phản ánh đến VKS thì họ không trả lời, phản ánh đến tòa thì thẩm phán xua tay cho rằng kiểm sát viên phát biểu có lố tí cũng… không sao.

Việc VKSND Tối cao và TAND Tối cao vừa ban hành Thông tư liên tịch số 04 là rất kịp thời. Nhưng theo tôi, nên cấm cả kiểm sát viên phát biểu quan điểm về mặt nội dung của vụ án cả trong phiên tòa phúc thẩm dân sự khi không có kháng nghị. Bởi nếu chỉ có kháng cáo của đương sự thì việc xét chấp nhận hay không là do tòa. Kiểm sát viên không nên phát biểu can dự vào nội dung kháng cáo, chỉ kiểm sát việc thực hành và tuân thủ pháp luật là đủ.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Gây áp lực cho tòa

Việc kiểm sát viên phát biểu “lấn sân” sang nội dung vụ án không thể nói là vô hại vì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý của HĐXX trong việc ra phán quyết. Án dân sự cốt ở đôi bên, VKS đi sâu vào mặt nội dung, chứng cứ làm gì?

Ở một khía cạnh khác, tôi đánh giá rất cao cách hành xử cầu thị của VKSND tỉnh Sóc Trăng trong vụ này. Theo tôi, đây là chuyện cần phải biểu dương, nhân rộng vì thể hiện văn minh tố tụng, có sai sót là thẳng thắn thừa nhận.

Luật sư NGUYỄN HẢI VÂN, Công ty Luật hợp danh Đông Á, quận 1 (TP.HCM)

THANH TÙNG - TIẾN HIỂU


Nguồn tin: phapluatvn.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 70


Hôm nayHôm nay : 15259

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 412321

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30260881

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên