23:48 ICT Thứ sáu, 26/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Quản trị-Đầu tư

Thống đốc: Chính sách tiền tệ không thể “đẽo cày giữa đường”

Thứ hai - 24/01/2011 15:55
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bày tỏ đôi điều về cuộc sống của ông và dự định của ngành ngân hàng khi bước sang năm mới Cuối năm, ngành nào cũng bận rộn với họp tổng kết, báo cáo kết quả hoạt động lên Chính phủ.

NGUYỄN HOÀI
24/01/2011 10:54 (GMT+7)

 

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bắt tay Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Philippines, ông Diwa Guinigundo, tại một hội nghị diễn ra ở Nha Trang, tháng 7/2010 - Ảnh: Reuters.

 


Với ngành ngân hàng, công việc còn bộn bề hơn, nhất là 2010 được coi là năm sóng gió trên thị trường tiền tệ. Tranh thủ một chút thảnh thơi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu bày tỏ đôi điều về cuộc sống của ông và dự định của ngành ngân hàng khi bước sang năm mới.

Thị trường có lúc bất ổn cũng là chuyện thường tình

Những bất ổn vĩ mô năm 2010 và các năm trước đã được xới xáo nhiều lần, theo ông để giải quyết một cách căn bản trong năm tới thì phải bắt đầu từ đâu?

Quốc hội rất nhiều lần đưa vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô ra mổ xẻ và thấy rằng, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý nên họ đòi phải tái cấu trúc lại nền kinh tế. Thứ nhất, đối với vấn đề lạm phát, tôi nghĩ, ngay từ đầu năm, chính sách tài khóa phải đưa ra thông điệp để khẳng định một chính sách tài khóa chặt chẽ như thế nào.

Thứ hai, cần xem lại chính sách đầu tư, kể cả FDI và đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài. Thử hình dung, mới chỉ triển khai vài năm mà tổng lượng ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài vọt khỏi biên giới lên tới 8,2 tỷ USD. Nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là tiền tư nhân, còn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài là tiền của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, may lắm chỉ có doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh Gia Lai thì cũng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ.

Thứ ba là bội chi thực, nhất là các khoản phát hành trái phiếu Chính phủ  không đưa vào để tính toán bội chi. Các nước đang phát triển chỉ cho phép bội chi khoảng 5% GDP, nước phát triển là 3% GDP, vậy Việt Nam là bao nhiêu cần phải tính toán lại thì mới có con số chính xác.

Thứ tư, nợ nước ngoài do thâm hụt cán cân vãng lai mà cái ruột của nó là sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Hiện nay, tỷ lệ này của Việt Nam khoảng 11%. Khi cán cân vãng lai thâm hụt thì phải được bù đắp bằng đầu tư nước ngoài. Đừng nhìn vào Nhật Bản, vì nợ quốc gia của Nhật Bản là nợ trong dân, vì thế họ không bao giờ thâm hụt cán cân vãng lai nên cán cân thanh toán quốc tế không bị ảnh hưởng. Vì thế, một trong những vấn đề của vĩ mô hiện nay là phải đưa tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư về mức cân bằng. Ở Việt Nam, theo tính toán, tỷ lệ trên từ 5% - 6% là phù hợp nhưng đến mức 11% là đáng lo ngại.

Thứ năm là nhập siêu. Các nước xung quanh Việt Nam xuất siêu đã lâu. Nhập siêu là hệ quả làm suy yếu cán cân thanh toán quốc tế, làm cho đồng tiền bị giảm giá.

Có người nói, chính sách tiền tệ hiện đang chạy theo thị trường, năm tới, chính sách tiền tệ có gì mới?

Không nên nghĩ thế, bởi hoạt động ngân hàng luôn gắn với thị trường, thị trường đang “động” mà bảo là “tĩnh” thì không được. Mấy năm nay, Ngân hàng Nhà nước điều hành theo phương châm “chủ động, thận trọng và linh hoạt”. Điều này phải hiểu đó là định hướng chứ không phải là câu nói đơn thuần. Khi nào cần điều chỉnh linh hoạt thì điều chỉnh, chứ không phải theo đuôi thị trường.

Còn chuyện la trời về lãi suất quá cao so với nhiều nước thì đó là do lạm phát còn cao thì lãi suất phải cao. Một thực tế, vốn hóa thị trường vài năm nay rất yếu, phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp rất ít, chủ yếu dựa vào ngân hàng, ngân hàng hoạt động cũng phải dựa vào vốn huy động chứ!

Tôi đã trình Chính phủ cơ chế điều hành lãi suất năm nay năng động và linh hoạt hơn, có nghĩa tập trung nhiều hơn cho quyền hạn của Thống đốc chứ không thể điều hành chính sách tiền tệ như “đẽo cày giữa đường” được. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước có thể lấy một loại lãi suất chủ chốt của ngân hàng Trung ương là OMO để điều hành thị trường.

Còn những lãi suất chủ chốt khác cũng theo tín hiệu thị trường, chẳng hạn, lãi suất tái cấp vốn phải ở mức cao vì nếu ngân hàng kinh doanh bị mất khả năng thanh toán, vay ở ngoài không được phải chạy lên đây, đã lên đây thì phải cao chứ, thậm chí còn bị phạt nữa. Do đó, cứ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 9%/năm như năm 2010 là không phù hợp.

Còn với tỷ giá thì mặc dù năm nay có nhiều khó khăn, nhưng càng về cuối tình hình ngoại tệ lại khá. Năm 2009, kiều hối chỉ 6,4 tỷ USD, năm 2010 dự kiến may lắm 7,3 tỷ nhưng hiện đã lên tới 8,3 tỷ USD. Còn FII dự kiến 1 tỷ USD thì kết quả gần như vậy, trong khi năm 2009 “âm” 523 triệu USD. Ngoài ra, du lịch cũng hỗ trợ tốt cho nguồn thu ngoại tệ, còn xuất khẩu dự kiến 17 tỷ USD thì hiện đã vọt lên 19 tỷ USD nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt.

Trong trường hợp tình hình nhập siêu không được cải thiện thì nên áp dụng công thức: giao dịch trên 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho áp dụng thỏa thuận theo thị trường.

Năm nay tôi công bố hai thông tin mới: thứ nhất hệ thống ngân hàng cần phải cải cách và cơ cấu lại bởi đó là hệ quả chưa tốt từ trước khi tôi về làm Thống đốc. Thứ hai, tôi sẽ cho công bố những trường hợp mất cân đối, dẫn đến mất an toàn tín dụng. Ví dụ, lãi suất đang cao nếu gặp lúc cầu tín dụng yếu thì phải giảm, đằng này, lãi suất vẫn cao là chứng tỏ sức khỏe của các ngân hàng có vấn đề.

Trong 3 năm qua, ngành ngân hàng đã hoàn thành những mục tiêu cơ bản nhất theo sự điều hành của Chính phủ: 2008: góp phần hỗ trợ để nền kinh tế không lâm vào khủng hoảng; năm 2009: hỗ trợ tích cực suy giảm kinh tế và 2010 là lấy lại đà tăng trưởng. Còn chuyện thị trường có những lúc bất ổn thì đó cũng là chuyện thường tình trong một bối cảnh nền kinh tế gặp không ít khó khăn từ nội tại và tác động khủng hoảng từ bên ngoài. Tuy nhiên, như các cụ, ông bà tổ tiên đã nói: cứ ở hiền sẽ gặp lành!

Thống đốc mê bóng đá và cải lương

Thưa Thống đốc, miền đất An Giang nơi ông sinh ra vốn là một trong những nơi nuôi dưỡng nghệ thuật hát cải lương, đã bao giờ Thống đốc ca vọng cổ?

Làm ngân hàng nhưng có hai thứ tôi đam mê nhất là bóng đá và ca cải lương. Thế nên, tôi có một kiến thức kha khá về kho tàng nghệ thuật này, từ ông tổ cải lương “thầy Phó Mười Hai” đến những thế hệ tiếp nối như Trần Hữu Trang hay những đàn anh đàn chị vang bóng một thời trong giới. Ngay cả những nghệ sĩ mang trong mình dòng máu lai Pháp ca rất xuất sắc tôi cũng biết như Phương Thanh, Thành Được, Chí Tâm...

Thậm chí, có những cầu thủ  ngày xưa trong chế độ cũ, vừa ca hay vừa là trung vệ dập nổi tiếng dưới màu áo đội cảnh sát quốc gia chế độ cũ như Hữu Phước, tôi cũng để tâm tìm hiểu. Khác với nhiều nghệ sĩ hát hay nhưng cũng giỏi tá lả, tứ sắc của thời đó thì Hữu Phước lại không cà phê, rượu chè, thuốc lá, cờ bạc nên rất được chị em hâm mộ. Cứ có trận cầu nào mà Hữu Phước đá là chị em nô nức đi xem.

Tôi làm Thống đốc nên có điều kiện giao du với dân tài chính nước ngoài và nhiều lần tôi đã cho “Tây” thưởng thức ca vọng cổ, họ tán thưởng ghê lắm.

Lần đầu tiên, Việt Nam có một đại diện làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, và trên tay ông là chiếc búa điều hành hội nghị thường niên WB/IMF 2009 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Xin hỏi, Thống đốc học tiếng Anh từ lúc nào mà lưu loát như vậy?

Ngày xưa tôi học tiếng Pháp khá thông thạo, còn tiếng Anh mới học tháng 11/1991, khi tôi về làm Phó tổng giám đốc Agrianbank. Có một kỷ niệm đáng nhớ là năm 1994, tôi và một người đứng đầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) sang Đài Loan công tác. Do thiếu nghiệp vụ chuyên ngành nên cô phiên dịch dịch không sát nghĩa, may mà tôi là dân trong ngành, lại biết tiếng nên phiên dịch khá trôi chảy cho cả đoàn suốt chuyến đi. Đợt đó, tôi được vị lãnh đạo của Agribank rất khen.

Hiện nay, tôi vẫn đều đặn một tuần, một buổi học tiếng Anh với giáo viên, nhờ đó khi làm việc với đối tác nước ngoài, kể cả với lãnh đạo của ADB, IMF hay WB đều không phải nhờ đến phiên dịch.

Người trong ngành ngân hàng vẫn nhắc đến chuyện Thống đốc bỏ thuốc lá. Vì sao rất nghiện thuốc lá mà ông vẫn bỏ được?

Tôi vốn xuất thân từ một cán bộ tín dụng, nhiều năm tháng gắn bó với người nông dân nên thiếu điếu thuốc thì buồn lắm, hút riết rồi đâm nghiện. Về sau này, khi đi công tác ở nhiều nơi trên thế giới, chỗ nào người ta cũng cấm hút và mỗi lần muốn hút thì phải ra đường, rất phiền toái.

Nhưng trong dịp đi công tác ở một huyện miền núi của Campuchia, lúc đó là năm 1995. Lãnh đạo huyện này biết tôi nghiện thuốc nên mặc dù chuyến đi kết thúc, đoàn chuẩn bị lên đường về nước nhưng vẫn thấy ông chủ tịch huyện quanh quẩn như chờ đợi cái gì đó. Tôi thấy lạ mới hỏi thì được biết, ông chủ tịch huyện đang cho người đi mua hai cây thuốc lá cách đó rất xa để tặng tôi. Tôi chợt nghĩ, nếu không chờ đợi để lấy cây thuốc lá thì những người đi mua thuốc sẽ bị “sếp” quở trách. Bởi ở đây, lính tráng sợ lãnh đạo như sợ cọp. Thế rồi, tôi đành chờ để nhận hai cây thuốc mà ông chủ tịch huyện tặng nhưng trong lòng rất nghĩ ngợi. Sau chuyến đi đó, tôi quyết định bỏ thuốc để tránh phiền toái cho mọi người.

Dĩ nhiên, bỏ thuốc không đơn giản. Tôi phải bỏ rất nhiều lần mới dứt được. Bây giờ, thi thoảng tiếp khách có ngậm cho vui thôi, không còn thấy “ngon” như thuở nghiện nặng.

Thống đốc có một người con gái đã lấy chồng và sinh sống ở nước ngoài, đã bao giờ con gái và con rể nhờ vả đến ông?

Vợ chồng tôi không phải tuýp người “lắm con nhiều của”. Cũng nhờ được đào tạo căn bản trong nước và ở nước ngoài nên con gái và con rể tôi mưu sinh khá thuận lợi. Chỉ có điều tôi cũng hơi “quân phiệt”, khi yêu cầu các con phải đẻ ít nhất là hai đứa để ông bà “vui cửa, vui nhà”.

Còn việc hỗ trợ thì gần như chúng không cần đến. Cũng có lúc các con tôi nhớ quê hương muốn về quê làm ăn, tôi cũng phải “nhắc khéo”: nếu các con về thì để bố nghỉ việc phụ với các con. Thế nên bao năm nay chúng vẫn ở nước ngoài.

Có người kể rằng, Thống đốc có người em trai hỏi ông về tỷ giá để thuận cho chuyện làm ăn nhưng ông đã khước từ, thực hư ra sao?

Chuyện là thế này, tháng 5/2008, sau khi công bố Quyết định 16, ba tôi bị ốm nặng, tôi về quê thăm.

Trong bữa cơm thân mật cùng cả gia đình, người em ruột (hiện công tác tại một doanh nghiệp Nhà nước tại An Giang) có một lượng ngoại tệ từ xuất khẩu nông sản khoảng 3 triệu USD mới hỏi tôi: “Anh ơi, xí nghiệp em có 3 triệu USD, xu hướng tỷ giá tới đây thế nào để em kiếm mớ lãi cho xí nghiệp?”. Ngẫm ngợi một lúc, tôi trả lời: “Nếu em hỏi anh như một người dân thì anh không biết, còn nếu hỏi Thống đốc thì không bao giờ Thống đốc trả lời những việc đại loại như thế”.

Từ đó trở đi, người trong nhà tôi rất ngại hỏi những chuyện tế nhị như vậy.

Nguồn tin: VN Economy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 85


Hôm nayHôm nay : 24967

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 422029

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30270589

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên