13:17 ICT Thứ sáu, 03/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội » Đời sống xã hội

Từ người bán xôi trở thành giám đốc

Thứ hai - 20/02/2012 08:36
Từ một người lao động làm thuê, ngã bệnh nặng đành phải đi bán xôi kiếm sống, anh đã trở thành giám đốc bằng chính nghị lực và lòng ham học.
Từ một người lao động làm thuê, ngã bệnh nặng đành phải đi bán xôi kiếm sống, anh đã trở thành giám đốc bằng chính nghị lực và lòng ham học.



Tháng 5/1992, Phạm Văn Trai (làng Mông Lãnh, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) xuất ngũ về lại địa phương. Gia đình có tới 9 anh chị em, nhưng chỉ mỗi anh học hết lớp 12. Ba mẹ già yếu, cả nhà quẩn quanh với 3 sào ruộng và mấy hàng sắn, gia đình thuộc diện hộ nghèo hằng năm hợp tác xã phải cứu tế. Với khát vọng thay đổi vận mệnh, Phạm Văn Trai quyết định hành phương Nam.

Vào cuộc mưu sinh

Lên đường vào TP. HCM mà trong túi chỉ vỏn vẹn có 72.000 đồng. Điểm đến đầu tiên của Trai là bến xe Miền Đông. Trả tiền xe hết 70.000 đồng, trong túi chỉ còn 2.000 đồng. Hỏi giá cuốc xe về Đầm Sen phải mất 20.000 đồng, anh đành nói thiệt với bác xích lô: “Cháu về cơ sở đá mài ở Đầm Sen để làm thuê kiếm sống nhưng trong túi không còn tiền”.

Anh lục trong ba lô ra 2 bộ đồ lính rồi thưa: “Bác lấy đỡ 2 bộ đồ này, không thì bác cho địa chỉ, khi nào làm có tiền cháu sẽ đến trả cho bác”. Không ngờ bác xích lô vui vẻ bảo: “Không sao, bác chở giúp thôi”. Chiếc xích lô khuất dần sau ngọn đèn đường vàng, lòng Trai nặng trĩu, thương cho bác đạp xích lô và thương cả cái phận nghèo khốn khó…

Nhờ sức thanh niên, anh lao vào làm việc bất kể đêm ngày, nặng nhọc vất vả, cần mẫn mài đá, ráp ghế, làm bia mộ... Thấy anh làm khỏe, lại khéo tay, chủ trả tiền công cho anh mỗi ngày 3.000 đồng, bao cơm trưa và tối. Cuộc sống của anh chớm nhen nhóm hy vọng thì tai nạn ập đến. Một lần khiêng bia mộ, vì rướn quá sức nên anh bị chấn thương cột sống, đành phải bỏ nghề, sống bằng số tiền chung góp của bạn bè cùng làm thuê.

Không thể nương nhờ mãi bạn bè vì họ còn lo cho vợ con gia đình ở quê, anh quyết định nấu xôi bán. Mỗi sáng anh thu tiền bán xôi gần 70.000 đồng, gần bằng 1 tháng lương ở cơ sở đá mài. Bán xôi hơn 3 tháng anh tích lũy được gần 2 lượng vàng, số tiền mà anh không thể tưởng với cái cảnh nghèo khó của mình.

Lưng vẫn quặn thắt từng cơn nhưng anh kiên trì bán xôi buổi sáng. Buổi chiều anh mượn xe đi khắp thành phố tìm thầy chữa bệnh, đông y có, tây y có, rồi đông tây y kết hợp mà bệnh chẳng thuyên giảm. Tình cờ điện về anh Trương Văn Lý - kế toán Hợp tác xã 1 Quế Xuân hỏi thăm gia đình, anh nói về bệnh tình của mình, thật may mắn lúc đó anh Lý đang theo học nghề đông y.

Theo lời anh, anh viết thư về nói rõ bệnh tật, vẽ hình lưng người và chấm bút đỏ các điểm đau trên đó. Nhận thư, anh Lý lên Lương y Võ Xuân Đào, chợ Bà Rén (Quế Sơn) bốc liền 2 thang thuốc tức tốc gửi vào. Uống hết 2 thang thì bệnh tình của anh khỏi hẳn, anh mừng quýnh điện về cám ơn và xin gửi lại tiền thuốc nhưng anh Lý không nhận.

Đổi thay phận người

Bệnh khỏi, anh nghĩ không lẽ suốt đời mình bán xôi, anh quyết định chuyển sang học nghề trang trí cây kiểng, hoa viên cho anh Nguyễn Vui - Giám đốc Công ty Vĩnh Cửu. Vốn con nhà nông, lại cần cù chịu khó nên ngày đêm anh mày mò thiết kế, bố trí khuôn viên cây xanh, bồn hoa cây cảnh cho các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn… Đến đâu anh cũng để lại ấn tượng tốt cho khách hàng, tạo được uy tín cho công ty.

Một lần anh ký và thi công hợp đồng lớn về trang trí cây kiểng, hoa viên cho khách sạn Ngôi Sao tại Dĩ An (Bình Dương), giám đốc công ty rất hài lòng, thưởng nóng cho anh 500.000 đồng, tương đương 1 chỉ vàng hồi đó.

Trên đường về thành phố, nghe Thương - người bạn ở quê điện vào tin anh Lý (người giúp Trai chữa bệnh) đang mổ tiết niệu ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Không chần chừ, anh vào Bưu điện Thủ Đức gửi về số tiền vừa được thưởng nhờ Thương mang ra trao cho anh Lý.
 
Anh Trai kiểm tra trang trí nội ngoại thất bằng thạch cao

Say mê với nghề trang trí hoa viên, anh có cơ hội gặp được nhiều khách nước ngoài. Một hôm Trai bắt gặp sản phẩm điêu khắc của người Pháp mang qua chào hàng. Làm quen với người bạn Pháp và được đồng ý anh mượn mang về nhà ra khuôn, sản xuất. Sản phẩm này được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, Công ty Vĩnh Cửu cũng phất lên từ đó.

Với vốn ngoại ngữ ít ỏi cộng với lòng kiên trì tự học, quan hệ của anh ngày càng rộng và có nhiều đối tác làm ăn nước ngoài. Anh dần dà tìm hiểu và nắm được cách thức thi công trần la phông, vách ngăn, trang trí nội ngoại thất bằng chất liệu thạch cao ngoại nhập. Với ý nghĩ táo bạo, Trai triển khai thi công công trình đầu tiên tại đường Nguyễn Trãi, quận 1 (TP. HCM). Thi công chỉ có 3 tuần, trừ tiền công, chi phí vật tư, anh lãi gần lượng vàng.

Nhờ công sức đóng góp của anh mà Công ty Vĩnh Cửu càng ăn nên làm ra. Anh nói với ông chủ ý định mở cơ sở riêng để tiêu thụ lại sản phẩm của công ty. Cửa hàng 553 - chuyên tiêu thụ hàng điêu khắc, trang trí nội ngoại thất bằng sản phẩm thạch cao tại bến xe Miền Đông ra đời.

Về bến xe Miền Đông, anh luôn mong tìm lại bác xích lô ngày nào đã chở anh trong cái đêm vừa đặt chân đến Sài Gòn. Ngày ngày buôn bán qua lại, anh để mắt kiếm tìm và hỏi tông tích bác xe thồ nhưng chẳng ai hay biết, anh còn nhờ mấy người tìm giúp mà vẫn không được…

Trai ký được một công trình do người Hàn Quốc làm chủ đầu tư tại Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) trên 3.000m2 với kinh phí gần nửa tỷ đồng. Được sự hỗ trợ vốn của ông Dũng - Giám đốc Công ty Sông Thu (người gốc Đà Nẵng) - nhà cung cấp vật tư, nên công trình bảo đảm được tiến độ và chất lượng. Chủ đầu tư công trình người Hàn Quốc sang kiểm tra thấy ưng ý liền thưởng nóng cho anh 200 USD.

Tích lũy được số vốn kha khá, tháng 6/2004, Trai bắt đầu thành lập Công ty Xây dựng, thương mại, dịch vụ Như Ngọc Trai, trụ sở tại An Phú Tây, quận Bình Chánh (TP.HCM). Danh tiếng ngày càng bay xa, công ty anh đảm nhận khá nhiều công trình xây dựng lớn, đặc biệt là các trần nhà, vách ngăn của các siêu thị Metro trên toàn quốc. Hiện công ty anh có gần 200 kỹ thuật, công nhân, hầu hết là con em người Quảng Nam.

Từ người bán xôi ngày xưa nay thành giám đốc, một chàng trai xứ Quảng đã đi lên bằng sự nhẫn nại kiên trì, không chịu cúi đầu trước mọi khó khăn. Anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm thanh niên xứ Quảng, dịp tết năm nào anh cũng tổ chức đưa công nhân về quê ăn tết rồi đón họ vào làm việc. Giám đốc Phạm Văn Trai cũng thường hay tham gia các hoạt động từ thiện, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, bởi anh rất thấm thía cái nghèo khó đã đeo bám mình thuở thiếu thời.
 
Theo Quảng Ngãi Online
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 99


Hôm nayHôm nay : 13668

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 54553

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30395286

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên