Đó là ý kiến của các chuyên gia tham dự Hội thảo lấy ý kiến cho Luật Quản lý thuế (sửa đổi), do Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức ngày 7/8.
Theo ban soạn thảo, kinh doanh TMĐT là một loại hình mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới. TMĐT có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là, tính linh hoạt cao về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các DN. Ở Việt Nam, thời gian gần đây TMĐT đã phát triển mạnh dưới hình thức mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo... thông qua các phương tiện truyền hình, website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội.
Về cơ chế, chính sách, Luật Quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và TMĐT, thông qua các điểm trọng yếu như cơ chế tự khai - tự nộp; nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử). Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử nói chung và TMĐT nói riêng, đồng thời vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thu thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực, thì cần phải có các quy định cụ thể và các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này. Chính vì vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online, đảm bảo để người nộp thuế có điều kiện tiếp cận và bắt kịp với TMĐT.
Đánh giá về những quy định quản lý mới đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Luật Quản lý thuế lần này đã có một bước tiến lớn và đã tiếp thu, điều chỉnh những vấn đề thực tiễn phát sinh, chuyển động theo hướng phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và phục vụ nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của DN. Riêng về quản lý thuế với hoạt động kinh doanh trên mạng, luật đã giải quyết được vấn đề lớn là, đã kinh doanh là phải nộp thuế, qua đó tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, bài toán thu thuế kinh doanh qua mạng là vấn đề đau đầu không chỉ của Việt Nam, mà cả các nước khác trên thế giới. Chính vì vậy, việc luật hóa rất quan trọng, bởi qua đó tạo ra cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước tăng cường phối hợp trong công tác quản lý.
Tại hội thảo các chuyên gia cũng cho rằng, mô hình kinh doanh qua mạng, TMĐT đang phát triển khá mạnh ở Việt Nam. Chính vì vậy vai trò của Nhà nước không phải ngăn cấm, hạn chế, mà là khuyến khích các DN phát triển, song vẫn phải đảm bảo thực hiện đúng chức năng quản lý thuế. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải sửa nhiều luật mới giải quyết được tận gốc của vấn đề. Đồng thời, phải có quy định hạn chế không dùng tiền mặt và cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước mới quản lý tốt người nộp thuế.
Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Thuế đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng DN. Đồng thời cam kết, những ý kiến đó sẽ được ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế./.