15:51 ICT Thứ bảy, 27/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Kinh doanh - Thương mại - Business - Commerce

Mở lối ra cho nông dân

Chủ nhật - 12/12/2010 23:11
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

L.T.S: Hiệp hội Lương thực VN hôm 7-12 thông báo, năm 2011 lượng gạo xuất khẩu của VN sẽ giảm vì nhiều lý do. Điều này có nghĩa người trồng lúa tiếp tục bấp bênh. Lối ra cho họ, theo tác giả bài viết, chính là công ty cổ phần nông nghiệp

Năm 1989, VN đã xuất khẩu được trên 1,76 triệu  tấn gạo trong khi chỉ 2 năm trước đó Chính phủ VN còn kêu gọi quốc tế cứu trợ lương thực. Mặc dù sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng mạnh, khối lượng lúa xuất khẩu đã vượt ngưỡng 6 triệu tấn từ năm 2009 nhưng lợi tức nông dân, nhất là những người trồng lúa, không tăng tương xứng; đời sống đa số nông dân còn nghèo. Đã hơn 35 năm sống trong hòa bình mà thành phần lao động lớn nhất nước ta chưa giàu lên được, lẽ nào chúng ta cứ để tình trạng này tiếp diễn? 

 
Khai thông bế tắc
 
Một lối ra cho nông dân trồng lúa: Công ty cổ phần nông nghiệp!
 
Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) là một cứu tinh cho nông dân trồng lúa VN. Những hợp phần của một hệ thống sản xuất nông nghiệp theo thị trường hội nhập đã được Nghị quyết 26 nêu lên gần như đầy đủ.
 
Vấn đề quan trọng ở đây là lần này để nghị quyết trở thành hiện thực một cách bền vững, chúng ta phải mạnh dạn tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp.
 
Triển khai Nghị quyết 26, chúng ta cần thiết kết hợp với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) để tập hợp nông dân trên cùng vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng bằng cách gắn liền với một nhóm công ty có cơ sở bảo quản, chế biến hàng hóa có thương hiệu và có đầu ra phân phối sản phẩm có thương hiệu đó.
 
 
Mô hình liên kết bốn nhà theo “chuỗi giá trị gia tăng” do tác giả bài viết đề xuất
 
Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập HTX, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP mà thị trường đòi hỏi. Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một công ty cổ phần nông nghiệp tại từng vùng quy hoạch.
 
Sáu bước thực hiện
 
Chúng ta lần lượt thực hiện 6 bước cơ bản sau đây (xem sơ đồ):
 
1- Vai trò chủ đạo để xâu mối các thành phần của hệ thống là chính quyền địa phương, tốt nhất là cấp tỉnh, có thể là từ bộ phận chuyên môn của Sở NN-PTNT.
 
Đơn vị này chính là nhạc trưởng cấp tỉnh, có nhiệm vụ tổ chức xây dựng hệ thống. Việc điều hành hệ thống sẽ do một doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm phụ trách, Nhà nước không nhúng tay làm trực tiếp.
 
2- Quy hoạch vùng sản xuất lúa: Đây là vùng có lợi thế trồng lúa mà một doanh nghiệp có thị trường cần có nguyên liệu để sản xuất. Công việc này cần sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp chế biến.
 
Lực lượng khoa học tham gia xây dựng quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP để đào tạo nông dân làm theo một cách triệt để trong quá trình sản xuất lúa nguyên liệu của dự án.
 
3- Lập kế hoạch tổng thể phát triển vùng quy hoạch: Từ sản xuất nguyên liệu đến phân phối sản phẩm có thương hiệu ra thị trường.
 
4- Tổ chức nông dân kết hợp nhau trong những hình thức hợp tác phù hợp: Nông dân sẽ được huấn luyện thật kỹ về quy trình sản xuất lúa nguyên liệu nông sản theo đúng tiêu chuẩn VietGAP đã được các nhà khoa học xác định. Mỗi nông dân xã viên có thể mua cổ phần của công ty bằng sản phẩm lúa của mình thay vì bằng tiền.
 

Thí điểm công ty cổ phần nông nghiệp

Hiện cả nước có hai mô hình thí điểm công ty cổ phần nông nghiệp tại huyện Phú Tân - An Giang và huyện Tam Nông - Đồng Tháp; nông dân đang chuẩn bị tham gia.

Trong khi tiến tới mô hình công ty cổ phần nông nghiệp, đến nay đã có nhiều cách tiếp cận tương đối hiệu quả như liên kết giữa HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy - Tiền Giang) và Công ty Cổ phần ADC để sản xuất, chế biến và tiêu thụ gạo Tứ Quý; liên kết của nhiều cụm nông dân ở tỉnh An Giang với Công ty Kitoku (Nhật Bản) sản xuất lúa Nhật xuất khẩu rất thành công. Nông dân trong hai liên kết trên được bao tiêu đầu ra với thu nhập thỏa đáng.

Một chính sách mới, đặc biệt áp dụng cho nông dân tham gia công ty cổ phần nông nghiệp, cần được Nhà nước ban hành đó là cho nông dân xã viên được mua cổ phiếu liên tục sau mỗi mùa thu hoạch sản phẩm (vì mua một lần thì họ không có vốn), công ty trả tiền chậm 10 - 15 ngày cho nông dân.
 
Công ty bảo đảm vào thời điểm trả tiền cho nông dân, giá lúa phải bằng hoặc cao hơn giá ở thời điểm nông dân giao lúa cho công ty cộng với lãi suất 10 - 15 ngày.
 
Để thực hiện được chính sách bảo hộ giá cho nông dân như vậy, cần có thêm một chính sách mới kế tiếp của Nhà nước: Sử dụng một quỹ kích cầu cho các công ty cổ phần nông nghiệp để bù lỗ cho công ty nhằm bảo đảm giá lúa cho nông dân như phác họa trên đây.
 
5- Xây dựng khu công nghiệp của công ty, bao gồm sân phơi, máy sấy, nhà kho, nhà máy xay xát...
 
6- Thành lập bộ phận phân phối gạo thành phẩm.
 
Chia lãi và quyền xuất khẩu gạo
 
Đến cuối niên vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho các thành viên cổ đông. Mỗi nông dân cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần của họ, đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái không được chia lãi đồng nào.
 
Hợp phần quan trọng trong biện pháp đồng bộ này là quyền được xuất khẩu sản phẩm gạo của các công ty cổ phần. Hằng năm, Nhà nước ấn định lượng gạo xuất khẩu của VN căn cứ trên diện tích và sản lượng gạo của từng tỉnh.
 
Sau khi trừ ra phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh dư ra bao nhiêu tấn gạo thì được quyền xuất khẩu khối lượng đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của Nhà nước nữa. Trên cơ sở đó, các công ty cổ phần nông nghiệp của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để xuất khẩu.
GS-TS Võ Tòng Xuân

Nguồn tin: Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 40


Hôm nayHôm nay : 11891

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 434123

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30282683

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên