Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh - Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính

Ảnh không minh họa

Ảnh không minh họa

Một trong những loại quyết định dù không phải là quyết định hành chính nhưng vẫn là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính, đó là Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích về loại quyết định này để độc giả thấy rõ hơn.

Trước hết, thuật ngữ “cạnh tranh” được hiểu là cạnh tranh trong kinh doanh - là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối quan hệ cung cầu, nhằm tranh dành các điều kiện sản xuất, thị trường tiêu thụ có lợi nhất cho mình. Hoạt động cạnh tranh này được điều chỉnh bởi pháp luật về cạnh tranh. Theo đó, Luật cạnh tranh quy định về các nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh.

Pháp luật cạnh tranh đã tạo ra một cơ chế kiểm soát và quản lý các hành vi cạnh tranh nhằm xây dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh, chúng ta tạm gọi cơ chế ấy là “tố tụng cạnh tranh”.  Trong “tố tụng cạnh tranh”, cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan quản lý cạnh tranh; Hội đồng cạnh tranh.

Trình tự thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh có thể tóm lược như sau:

-  Một bên (chủ thể kinh doanh) khiếu nại một chủ thể kinh doanh khác lên cơ quan quản lý cạnh tranh vì cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định Luật Cạnh tranh của chủ thể đó; hoặc cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh và tiến hành điều tra.

-     Cơ quan tiến hành “tố tụng cạnh tranh” dựa trên cơ sở đó để thực hiện trình tự thủ tục điều tra, giải quyết vụ việc. Tương tự như các hoạt động tố tụng khác tại Tòa án, “tố tụng cạnh tranh” cũng đi đến cái đích cuối cùng là kết luận hành vi của bên bị khiếu nại hoặc bị điều tra có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không? Kết luận này là Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Điều 107, Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định quyền khiếu nại đối với Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh. Theo đó, trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh các bên có quyền khiếu nại lên Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ Công thương.

Hội đồng cạnh tranh, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ căn cứ vào đơn khiếu nại của các bên và các quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ trưởng Bộ Công thương là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính theo quy định tại Điều 115, Luật Cạnh tranh.

Khoản 2 Điều 103, Luật Tố tụng hành chính cũng quy định “cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó”; và khoản 4, Điều 28, Luật này cũng quy định khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền của giải quyết của Tòa án.

Qua phân tích ở trên chúng ta cần phân biệt hai loại quyết định là Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong hai loại quyết định này thì chỉ có Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính./.

Vĩnh Can
Thứ hai, 16 Tháng 9 2013

Nguồn tin: www.sotuphapqnam.gov.vn