Quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện trong vụ án hành chính

Ảnh không minh họa

Ảnh không minh họa

Qua các bài viết trước, khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy vụ việc và đơn khởi kiện đúng theo quy định của pháp luật thì Tòa án phải tiến hành thủ tục tiếp theo là thụ lý vụ án. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào nhận được đơn khởi kiện Tòa án có thẩm quyền cũng thụ lý vụ án, có những trường hợp Tòa án không chấp nhận thụ lý bằng việc trả lại đơn khởi kiện cho đương sự. Tại Điều 109 Luật Tố tụng hành chính có quy định về những trường hợp trả lại đơn khởi kiện trong vụ án hành chính như sau:

- Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

- Người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính;

- Thời hiệu khởi kiện đã hết mà không có lý do chính đáng;

- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính;

- Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

- Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

- Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật Tố tụng hành chính;

- Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật Tố tụng hành chính mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 108 của Luật Tố tụng hành chính;

- Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật Tố tụng hành chính mà người khởi kiện không xuất trình biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp có lý‎ do chính đáng.

Điều cần nói của quy định tại Điều 109 Luật Tố tụng hành chính là khi trả lại đơn khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý‎ do trả lại đơn kiện để người khởi kiện có căn cứ khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện. Đây là quy định mới giúp cho các đương sự thực hiện quyền khiếu nại khi họ bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng. Bài viết này quý‎ độc giả sẽ được tiếp tục giới thiệu quy định về quyền khiếu nại khi bị trả lại đơn khởi kiện trong vụ án hành chính.

Quyền khiếu nại khi trả lại đơn khởi kiện là quyền cơ bản của người khiếu nại xuất phát từ nhận thức chủ quan khi họ cho rằng quyết định trả lại đơn khởi kiện của Tòa án là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu không quy định về quyền khiếu nại khi trả lại đơn khởi kiện thì sẽ có những trường hợp bất cập xảy ra khi quyết định trả lại đơn là theo ‎‎ý thức chủ quan của Tòa án. Quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện được quy định tại Điều 101 Luật Tố tụng hành chính, theo đó trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện xét thấy việc trả lại đơn khởi kiện của mình với lý‎ do Tòa án đưa ra không đúng như các trường hợp pháp luật đã nêu trên thì có quyền khiếu nại.

Khi Chánh án Tòa án nhận được khiếu nại của người khởi kiện về việc trả lại đơn khởi kiện thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau:

- Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện Kiểm sát cùng cấp biết;

- Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Trường hợp người khởi kiện không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết và đây là quyết định giải quyết cuối cùng. Nếu quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp về việc trả lại đơn khởi kiện là không đúng theo quy định của pháp luật thì Tòa án phải nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo để tiến hành thụ lý‎ vụ án.

Nếu Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thì thông báo cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí; trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thông báo cho người khởi kiện biết về việc thụ lý vụ án. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Toà án thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

Trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện biết việc thụ lý./.

Trương Phượng
Thứ năm, 24 Tháng 10 2013

Nguồn tin: www.sotuphapqnam.gov.vn