Xếp hàng và hết tiền

Mặc dù rất bức xúc, nhưng khi làm việc với chúng tôi, các công chức, nhất là các thầy cô giáo ở đây đều đề nghị giấu tên bởi sợ những phiền toái. Theo quy định, việc trả lương theo hình thức nào, ít nhất phải được người nhận lương đồng ý, nhưng với nhiều công chức ở đây, họ chỉ được thông báo “sẽ trả lương qua tài khoản”.

Hiện đại, tiện lợi đâu chẳng thấy, nhưng từ ngày nhận lương qua thẻ, cô giáo T phải lóc cóc đạp xe 7 – 8 km ra trung tâm thị xã Quảng Yên rút tiền. “Lần nào đi cũng phải xếp hàng đợi rất lâu vì cả thị xã có một cây ATM của Agribank, trong khi số lượng cây ATM của các ngân hàng khác cũng rất ít. Nhiều lần đợi đến lượt mình thì cũng là lúc cây ATM hết tiền ” – cô T bức xúc.

Một cán bộ UBND phường Hà An kể, từ nhà đến cây ATM khoảng 10 km, nhưng anh từng phải mất 4 lần đi lại mới rút được tiền vì “hôm không phải đợi thì cây ATM hết tiền, hôm đợi đến lượt mình thì trong cây cũng chẳng còn xu nào”.

Với những người ở gần chi nhánh Agribank Hà Nam thì họ chọn rút tiền trực tiếp từ chi nhánh này, đặt tại phường Phong Cốc. Nhưng chuyện phải xếp hàng dài dằng dặc để đợi đến lượt mình lấy tiền, với các thủ tục bất tiện hơn thời nhận lương trực tiếp từ thủ quỹ ở cơ quan, xảy ra như cơm bữa.

“Hơn nữa, việc rút tiền lương ở đây cũng chỉ có ngày, giờ chứ không phải ngày nào cũng rút được, nên cũng phải cố đợi thôi” – chị H – giáo viên một trường tiểu học gần đó cho cho biết.

Ngày đầu nhận lương qua tài khoản, nhiều người thường rủ nhau đi rút cùng cho vui, nhưng sau này thấy cứ phải xếp hàng dài dài thì – nói như anh B – “Nhiều khi phải bí mật đi, ai hỏi thì nói đi chơi vì rủ đi rút tiền cùng thì đợi nhau chắc chết. Nhưng khi ra đến ngân hàng hoặc cây ATM thì tất cả lại gặp nhau ở đó. Chỉ còn biết cười trừ”.

“Các đồng nghiệp ở xã đảo Hoàng Tân còn vất vả hơn vì từ đó tới cây ATM khoảng 15 km” – anh B bức xúc, cho rằng, trả lương cho công chức bằng cách nào cũng được, nhưng ngày càng phải giản tiện và nhanh gọn hơn.

Trả qua tài khoản, ai hưởng lợi?

Được biết, ngoài giáo viên, còn có đội ngũ cán bộ 8 xã, phường ở Hà Nam cũng được trả lương qua tài khoản. Trong đó, riêng đội ngũ giáo viên ở 1 trường cấp 3, 8 trường cấp 2, 8 trường cấp 1 và 8 trường mầm non đã lên tới khoảng 800 người.

Điều đó có nghĩa là, cứ đến ngày có lương “đổ” vào tài khoản, hàng ngàn người ở vùng nông thôn Hà Nam lại rồng rắn nhau vượt hàng chục km, rồi lại xếp hàng để lấy đồng lương của mình. Thực ra, ngay từ khi biết có chủ trương trả lương qua tài khoản, hầu hết cán bộ, công chức… đều đoán được hết những khó khăn, bất cập, nhưng không biết những người ra chủ trương này có hiểu điều đó?

Hỏi từ công chức xã, phường cho đến giáo viên, lãnh đạo một số phòng, ban về chủ trương trên thì chỉ nhận được cái lắc đầu, rằng “lệnh trên thì cứ thế làm thôi”. “Thương vụ” trên sẽ có những bên hưởng lợi, nhưng cán bộ, công chức, đặc biệt là các thầy cô giáo lại chịu thiệt thòi nhiều nhất. Ngày nào, chỉ bước vài bước là đã có lương trong tay, mà giờ ngược xuôi như kẻ buôn bạc giả mới rút được số tiền ấy. Không những thế, lần nào đi rút tiền cũng trong tâm trạng thấp thỏm: Không biết đợi bao lâu? Liệu ATM còn tiền không?

Đành rằng, trước sau gì cũng nên trả và nhận lương qua tài khoản, nhưng chỉ nên thực hiện điều đó khi hạ tầng – ít nhất là các cây ATM – có đủ số lượng và chất lượng.Tham khảo ý kiến một số cán bộ các ngân hàng về việc liệu có thể lắp đặt các cây ATM ở vùng Hà Nam thì nhận được câu trả lời: “Rất khó, vì đó là vùng thuần nông, khó có thể đảm bảo an ninh cho cây ATM”.

Nghĩa là việc trả lương qua tài khoản là chuyện ngân hàng, của chính quyền, còn việc rút tiền như thế nào thì tự người hưởng lương tính toán. 
(LĐO) NGUYỄN HÙNG