Khi đạo đức thăng trầm

Khi đạo đức thăng trầm
Người cha trói đốt con mình đến mức suýt chết chỉ vì nghi ngờ nó giấu chiếc điện thoại di động. Người mẹ để con đi ở mướn đổi lấy chút tiền còm cõi, mà không hay con bị chủ tra tấn bằng những nhục hình được cho là “kinh điển của thời Trung cổ”.


Ảnh minh họa

Chồng dùng xăng tạt vào người vợ khi đang đi ngang qua bếp lửa để trả thù. Chàng thanh niên có học thức chặt đầu người yêu vứt xác xuống sông. Người mẹ đánh đập con mình, bỏ đói, hắt nước sôi vào người nó; cháu giết ông ngoại, chặt đầu để có tiền chơi game; cậu chặt tay cháu vì nghi ngờ trộm tiền của bà ngoại, học trò hành hung thầy giáo ngay tại giảng đường…

Hàng ngày mở trang báo, những tin tức cay xé như thế cứ nhảy nhót ở đầu trang nhất. Nó thường xuyên, đều đặn như bản tin thời tiết, giá cả thị trường, giá vàng, đô la…Đôi khi chúng ta tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra? Phải chăng đạo đức cũng thăng trầm giống như bản tin chứng khoán hàng ngày?

Vừa hết giật mình bởi những video clip đánh nhau của học sinh nữ được tung đầy trên mạng, rồi đến học sinh đe dọa giáo viên bằng tin nhắn di động, hành hung thầy giáo ngay tại trường học…Xã hội lên tiếng, bắt tay vào việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng trên. Nhiều đề xuất cải tiến nền giáo dục, tạo phong trào thi đua “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, rồi đến bầu chọn “thần tượng giáo dục”, “giáo viên được học sinh yêu quý nhất”…Chưa bàn đến hiệu quả nhưng cũng có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Giải pháp đưa ra đó thì vẫn còn đó, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn nhởn nhơ, công khai hay ẩn nấp ở đâu đó. Có vị hiệu trưởng lên báo đài tuyên bố từ chức vì một lý do cũng có thể làm chúng ta ngơ ngác: “sợ học sinh trả thù”. Đạo đức, chân lý không lẽ lại dễ bị đánh gục như thế? Người ta lại tiếp tục nghiên cứu tìm tòi một cái gì khác hơn. Đề tài này lâu dần cũng thành nhàm chán, báo đài thôi đưa tin, sự việc lắng xuống, người ta tạm yên lòng hay phải chấp nhận với những gì đang xảy ra.


Ảnh minh họa

Nhường chỗ trên mặt báo là những tin tức “hot” hơn, mang tính “bạo lực” hơn, đau lòng hơn. Người ta chuyền tay nhau những tờ báo sáng: “Có đọc vụ của Hào Anh chưa?”, rồi bàn tán, có người tức giận, có người thở dài im lặng, không thể tin đó là sự thật…Bởi nhìn thấy con mình bị muỗi cắn, trầy xước móng tay thôi cũng đã thấy đau lòng, ăn ngủ không yên. Quay lại câu hỏi “chuyện gì đang xảy ra” một cách ngơ ngác, vô vọng. Tất cả họ đều có câu trả lời chấp chới: “tại nghèo, tại học vấn thấp, tại hoàn cảnh…”. Nhà quản lý thì tìm ra nguyên nhân xa xa “tại pháp luật chưa đến được với người dân…”, chuyên gia tâm lý nói do cuộc sống căng thẳng, bẩn chật; nhà giáo dục giải thích tại văn hóa thấp, nhận thức kém; nhà văn đổ lỗi cho họ không đọc sách, đời sống tinh thần nghèo nàn; nhà nghiên cứu văn hóa nghĩ rằng do tính dân tộc…

Giữa lúc dư luận đang hoang mang không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra thì hàng loạt tin tức liên quan đến đường dây buôn người, chăn dắt trẻ em, những đứa con bị cha mẹ ruột hành hạ, bạo lực gia đình tràn lan, thủ đoạn giết người cũng man rợ hơn, che giấu cũng tinh vi hơn. Báo chí vào cuộc, những cuộc đối thoại ngắn được thực hiện. Người ta hy vọng sẽ chụp được những giọt nước mắt, hay cái cúi đầu ân hận, như vậy chắc cũng làm cho dư luận dịu bớt ngơ ngác hay có thể gán cho nó một nguyên nhân nào đó tương tự hay gần gần như vậy. Vẻ mặt lạnh lùng, những câu trả dửng dưng “tại nó đáng chết”, “đến lượt mình, không còn vết thương nào nên tôi lấy dao lam rạch thêm rồi nhỏ thuốc tẩy tôm vào”, hoặc im lặng, đắc chí…khiến dư luận nghi ngờ “họ có còn là con người?”.


Đặng Minh Tiến