Sẽ kiến nghị sửa Luật Thuế TNCN

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Đinh Nam Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế, cho biết như vậy

* Phóng viên: Thưa ông, trong bài viết “Khổ vì thuế thu nhập cá nhân”, Báo Người Lao Động đã phản ánh kiến nghị của cán bộ CĐ và người lao động (NLĐ) về việc miễn, giảm thuế đối với công nhân ở trọ và các khoản trợ cấp từ quỹ  phúc lợi của doanh nghiệp (DN). Ý kiến của ông về việc này thế nào?

 

- Ông Đinh Nam Thắng: Rõ ràng đây là những vấn đề thực tiễn đã và đang xảy ra. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), các khoản chi phí sinh hoạt của NLĐ cũng như các khoản hỗ trợ cho thân nhân NLĐ không được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế. NLĐ có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ được giảm trừ một số khoản đóng góp về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với một số ngành nghề... Hiện nay, các DN được trích quỹ phúc lợi khen thưởng để chi cho NLĐ hoặc trợ cấp cho NLĐ. Theo quy định, đây vẫn là khoản thu nhập của NLĐ hoặc lợi ích mà NLĐ được thụ hưởng nên vẫn phải tính vào thu nhập chịu thuế.
 
* Khoản phúc lợi khi hỗ trợ cho NLĐ gặp khó khăn bức bách, bị bệnh hiểm nghèo mà còn đánh thuế thì bất hợp lý quá. Cũng có khi người thụ hưởng không phải NLĐ mà là thân nhân của họ. Như vậy tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ có hợp lý không?
 
- Trường hợp NLĐ gặp khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo sẽ được miễn, giảm thuế trên cơ sở xem xét chi phí thực tế điều trị. Kết thúc năm, NLĐ làm văn bản gửi cơ quan thuế. Trên cơ sở chứng từ tờ khai quyết toán thuế năm, cơ quan thuế sẽ ra quyết định miễn, giảm. Số thuế miễn, giảm tối đa không quá chi phí điều trị và không vượt quá số thuế phải nộp của năm đó. Ngoài ra, NLĐ làm việc trong các khu kinh tế hiện nay cũng đang được ưu đãi giảm 50% thuế TNCN theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.
 
Đối với trường hợp DN hỗ trợ tiền cho thân nhân NLĐ thì vẫn phải tính vào thu nhập của NLĐ đó và không được miễn thuế bởi NLĐ phải làm việc ở DN thì thân nhân mới được hỗ trợ nên NLĐ cũng có thể coi là đối tượng thụ hưởng chính sách.
Công nhân nhập cư nhiều lúc phải đấu tranh đòi quyền lợi nhưng đời sống vẫn còn khó khăn. Ảnh: Vĩnh Tùng
 
* Sở dĩ có đề nghị miễn thuế cho người thuê nhà là do họ phải chịu chi phí điện, nước, giáo dục… đắt đỏ hơn mức thông thường…
 
- Vấn đề Báo Người Lao Động phản ánh về chi phí sinh hoạt không được trừ trước khi tính thuế cũng như các khoản NLĐ được nhận từ chính sách hỗ trợ cho thân nhân không được miễn thuế là vấn đề thực tiễn mà quy định của Luật Thuế TNCN hiện nay chưa tính đến. Trong khi chúng ta còn trong bối cảnh nền kinh tế tiền mặt thì việc kê khai các chi phí sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày không có chứng từ chứng minh là một vấn đề phức tạp. Để giải quyết vấn đề này phải có sự nghiên cứu thấu đáo cũng như sửa đổi cơ bản về luật, kèm theo đó phải có các điều kiện liên quan bảo đảm đáp ứng thuận lợi cho việc kê khai thu nhập của mỗi cá nhân cũng như vấn đề kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.
 
* Trong công tác quản lý, Tổng cục Thuế có nhận được các kiến nghị tương tự hay không và theo ghi nhận của tổng cục, đã đến mức phải sửa luật hay chưa?
 
- Một luật thuế mới ban hành, khi áp dụng chắc chắn không thể tránh khỏi tình trạng có những phát sinh mà quy định của luật không bao quát được hết phạm vi điều chỉnh. Những vướng mắc như Báo Người Lao Động phản ánh cùng với kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nộp thuế, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp nhận đầy đủ. Chúng tôi sẽ tập hợp theo từng nhóm vấn đề để báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét. Những vấn đề quy định của luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội sửa đổi sẽ  được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật Thuế TNCN.

Những khoản được miễn thuế TNCN

 
Ông Bùi Nam Trung, Phó Phòng Thuế TNCN - Cục Thuế TPHCM, cho biết:
 
1- Theo quy định, các khoản thu nhập nhận bằng tiền hoặc các khoản lợi ích khác đều phải chịu thuế. Đối với các khoản lợi ích, nếu xác định được cụ thể người được hưởng thì phải thu, nếu không xác định được cụ thể đối tượng được hưởng thì không thu. Ví dụ: tiền xe chi phương tiện đưa rước tập thể NLĐ từ nhà đến nơi làm việc, chi thẻ hội viên sân golf công ty sử dụng

chung... thì không tính, nhưng nếu xe đưa rước riêng cá nhân hoặc thẻ hội viên ghi tên cụ thể thì phải tính.

 
2- Đối với các khoản khoán chi: CBCC và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, các hội thì mức khoán áp dụng theo quy định của Bộ Tài chính không thu, nếu vượt mức khoán thì thu. Hoặc những khoản chi khác theo đúng quy định của Nhà nước thì không thu.
 
Cụ thể mức quy định như sau:
 
- Tiền đồng phục: Nếu chi bằng tiền là 1.000.000 đồng/người/năm; chi bằng hiện vật là 1.500.000 đồng/người/năm.
-
 Tiền ăn giữa ca là 550.000 đồng/người/tháng.
 
3- Riêng đối với tiền lương, tiền công làm ban đêm, làm thêm giờ... được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động thì phần trả cao hơn được miễn thuế. Ví dụ: Một cá nhân có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ Luật Lao động là 20.000 đồng/giờ. Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường được trả 30.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là (30.000 đồng/giờ - 20.000 đồng/giờ = 10.000 đồng/giờ).
 
Dương Quang ghi

Nguồn tin: Người lao động