Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và dự thảo về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015

Ảnh không minh họa

Ảnh không minh họa

Tăng lương 2015, Sửa đổi luật BHYT, thay đổi cách tính lương hưu có gì mới?!

I. Quốc hội ‘chốt’ việc tăng lương 2015

Theo chương trình của kỳ họp thứ 8 (Quốc hội (QH) khóa XIII), hôm nay (10-11), QH sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và dự thảo về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Nếu Nghị quyết về dự toán ngân sách 2015 được QH thông qua thì từ ngày 1-1-2015, cả nước sẽ có khoảng 5 triệu người được điều chỉnh tăng 8% lương cơ sở, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng.

Trước đó, qua xem xét vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã tán thành với đề xuất tăng lương của Chính phủ. Theo đó, từ ngày 1-1-2015 sẽ thực hiện điều chỉnh tăng lương và trợ cấp cho ba nhóm đối tượng gồm người nghỉ hưu trước năm 1993, người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi từ ngân sách và công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp với hệ số lương 2,34 trở xuống. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nhu cầu kinh phí tăng thêm để tăng lương năm 2015 khoảng 11.100 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương bố trí khoảng 10.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 1.100 tỉ đồng.

II. Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHYT sửa đổi:

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2014/NĐ-CP (ngày 15/11/2014) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT sửa đổi). Trong đó quy định cụ thể đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ BHYT…

Với quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, ngoài những nhóm tham gia BHYT theo trách nhiệm đóng đã quy định cụ thể trong Luật BHYT sửa đổi (NLĐ và người sử dụng lao động, tổ chức BHXH, NSNN, NSNN hỗ trợ mức đóng, và tham gia theo hộ gia đình), Nghị định 105 đã bổ sung quy định cho một số nhóm đối tượng khác chưa được điều chỉnh trong Luật. Theo đó, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ (về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khoẻ nay già yếu phải thôi việc) được chuyển hình thức tham gia BHYT do NSNN đóng (theo Luật BHYT 2008) sang nhóm do tổ chức BHXH đóng. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình sẽ tham gia BHYT theo nhóm NSNN hỗ trợ.

 Về mức đóng BHYT, Nghị định quy định từ ngày 01/01/2015, mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng bằng 4,5% các mức thu nhập (các trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp thai sản, trợ cấp thất nghiệp cũng  đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp). Mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; HSSV; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp… theo quy định của Luật BHYT sửa đổi.

Theo Nghị định, người tham gia BHYT khi đi KCB theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật sẽ được hưởng 100% chi phí KCB trong các trường hợp: KCB tại tuyến xã; chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục); người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

Đặc biệt, các đối tượng: người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được hưởng 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Mức hưởng 95% sẽ áp dụng với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng; bgười thuộc hộ gia đình cận nghèo. Các đối tượng còn lại hưởng 80%.

Về phương thức thanh toán chi phí KCB, Nghị định quy định áp dụng theo định suất đối với cơ sở KCB BHYT ban đầu (trừ các dịch vụ y tế ngoài định suất). Còn lại thanh toán theo phí dịch vụ và thanh toán theo trường hợp bệnh. Nghị định cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong việc phân bổ và sử dụng Quỹ BHYT; quản lý và sử dụng quỹ dự phòng; chi phí quản lý quỹ BHYT; hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT; quyết toán và lập kế hoạch tài chính… Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015.

III. Quốc hội thông qua cách tính lương hưu mới

Từ 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam.

Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với tỷ lệ tán thành hơn 71% dù trước đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí đề nghị không thông qua dự án luật tại kỳ này. Luật gồm 9 chương, 125 điều; dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Theo đó, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam. Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương tứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc thực hiện theo lộ trình như thế để người lao động có thời gian thích nghi với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

IV. Từ 2018, đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập

Sáng qua, Ủy ban TVQH thảo luận về bốn vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ; bổ sung đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nhiều ĐBQH tán thành quy định từ ngày 1.1.2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Ý kiến khác đề nghị cần thực hiện quy định này ngay khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7.2015.

"Thường trực ủy ban cho rằng, quy định thực hiện từ ngày 1.1.2018 sẽ đảm bảo khả thi hơn, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động", bà Mai nói. Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng vẫn cho rằng càng thực hiện sớm quy định này, càng có lợi cho người lao động.

Nâng số năm đóng bảo hiểm của lao động nam

Về nội dung điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng, Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội - cơ quan thẩm tra - đề nghị chọn phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%. Mức hưởng lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Đồng thời, quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể, năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm).

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cho rằng cả nam và nữ cứ nên giữ 15 năm đóng BHXH thì được hưởng 45%. “Quy định như vậy sẽ không bao giờ vỡ quỹ, với điều kiện đừng lấy tiền BHXH trả cho người đóng thấp nhưng hưởng cao. Để bảo đảm sự công bằng, không nhất thiết phân biệt số năm đóng giữa nam và nữ”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, qua thảo luận, TVQH đồng tình với đề xuất của cơ quan thẩm tra.

TVQH cũng tán thành nhiều nội dung cơ quan thẩm tra đề xuất, như bổ sung đối tượng lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc; đồng tình chính sách khuyến khích mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, với mức hỗ trợ thấp nhất của nhà nước cho tất cả người lao động tham gia.

Về đề xuất bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc, TVQH không tán thành đề xuất của cơ quan thẩm tra, mà đề nghị quy định đối tượng này tham gia bảo hiểm tự nguyện để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi chưa tính toán lượng hóa được mức chi trả cho số đối tượng này.

Ngoài ra, mức bình quân lương hàng tháng để tính lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh theo lộ trình. Cụ thể, tính bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1/7/2015 đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này cũng mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia bảo hiểm xã bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày...

===========================================

Tác giả bài viết: Đỗ Trọng Hiền (Chinluamientay) Tổng hợp

Nguồn tin: Nghiepvuketoan.vn