Lãi suất hạ: Lạc quan nhưng...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước khi có quyết định hạ lãi suất huy động từ 13% còn 12%, nhiều ngân hàng lớn dư vốn nhưng không cho DN vay được.
 

Việc thực hiện lộ trình giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang quyết liệt thực hiện là chủ trương cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).

Thấy mới tin!

Một chủ DN cơ khí loại nhỏ ở TP.HCM trợn mắt: “Thấy mới tin! Hãng của tôi chỉ cần có 2 tỉ đồng để mở rộng sản xuất mà chạy tới chạy lui hết mấy tháng, ngân hàng nào cũng bày ra cả mớ thủ tục, rồi lại còn đưa ra nguyên do thiếu hụt thanh khoản… Riết rồi tôi nản luôn!”.

Trong 10 người được hỏi, có đến hai phần ba bức xúc tương tự như chủ DN trên. Với nhiều chủ DN, họ đã có khá đủ bài học chạy vạy khiến bị rơi vào hội chứng “khủng hoảng lòng tin”.

Không khủng hoảng lòng tin sao được khi từ sau tết đến nay, chính các ngân hàng cũng nghiệt ngã với nhau, không dám cho nhau vay dù có được thế chấp bằng dự án bất động sản. Thậm chí, cứ nghe đến loại tài sản thế chấp này là có ngân hàng còn thẳng thừng từ chối như đụng phải… ma quỷ. Trong tình hình đó, DN có “tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ” mới là chuyện lạ!

Vào đầu tháng 3, NHNN đã một lần thông báo hạ lãi suất huy động từ 14% về 13%. một chi tiết rất đáng lưu ý là tại thời điểm đó, mặc dù một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Vietcombank đã thực hạ lãi suất cho vay 1%-2%, nhưng nghị quyết tháng 2-2012 của Chính phủ vẫn chưa có nội dung nào khẳng định “khó khăn thanh khoản” đã trôi qua. Thậm chí tình hình còn     mang hơi hướng của tháng 10-2011 với sự xuất hiện của bản danh sách chín ngân hàng yếu kém cần được tái cấu trúc, tạo thêm một sức ép nữa cho thị trường liên ngân hàng.

Vậy nguyên cớ nào đã khiến lãi suất được kéo hạ vào đầu tháng 4-2012?

Giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay là tín hiệu lạc quan cho doanh nghiệp. Ảnh: HTD

Lạc quan phòng thủ

Cuối tháng 3, một tín hiệu lạ chợt lộ ra: Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh, có thời điểm chỉ còn 6%-7%, hết sức khác biệt với vùng lãi suất lên đến trên 20% vào tháng 10-2011. Đó cũng là thời điểm mà trên bình diện xã hội, khá nhiều con số mô tả hậu quả nặng nề do tình thế “thắt lưng buộc bụng” đã phát lộ: 79.000 DN phải phá sản và xin ngừng hoạt động; nhiều ngành sản xuất như da giày, mía đường, thép, xi măng, may mặc, thủy sản… lâm vào tình thế đường cùng do đói vốn và không tìm thấy một lối thoát khả dĩ nào trong việc tìm vốn. Báo chí đều lên tiếng về thực trạng quá khắc nghiệt này. Còn các chuyên gia, với không ít người nằm trong những hội đồng tư vấn về chính sách tín dụng và tiền tệ cho Thủ tướng, cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc thắt chặt tín dụng quá lâu sẽ khiến cho nền kinh tế bị đình đốn hoàn toàn và có nguy cơ bị tái lạm phát.

Nếu cách đây vài tháng còn diễn ra không khí tranh luận giữa một trường phái hạn chế cung tiền để ổn định lạm phát và trường phái kia về tăng cung tín dụng để hồi phục sức tăng trưởng, thì thời gian cuối quý I đã trở thành một minh chứng rất rõ nét cho hậu quả phát sinh từ trường phái đầu. Cứ cho là lạm phát đã được ổn định nhưng con số đẹp về CPI tăng chưa đầy 3% trong quý đầu thật ra chẳng mang một ý nghĩa xã hội lớn lao nào vì vẫn có thêm ít nhất vài chục ngàn DN phải giải thể, đời sống người lao động khó khăn thêm gấp bội, khắp nơi hàng tồn kho chất cao như núi… Vòng quay vốn xã hội vì thế cũng giảm hẳn.
  theo TS Lê Xuân Nghĩa thì tốc độ vòng quay này trong năm 2011 chỉ còn có 0,8 lần thay cho vài ba lần trong những năm trước đây. Nếu tình hình thắt chặt tín dụng tiếp tục kéo dài, đến khi các DN vay được vốn thì cũng là lúc họ đã hoàn toàn kiệt sức.

Trong khi đó, lại hiện diện một bất cập thuộc loại “khủng”: Hầu hết các ngân hàng lớn, đặc biệt những ngân hàng trong nhóm G12, đều nằm trong tình trạng ứ vốn. Dư vốn quá nhiều mà không cho vay được cũng là một bĩ cực, ảnh hưởng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài đến lợi nhuận của ngân hàng. Dẫn chứng về việc Ngân hàng ACB dư tới 3 tỉ USD mà không thể cho vay đã trở nên thuyết phục đến mức vào đầu tháng 4, NHNN phải giảm tiếp lãi suất.

Nhưng khác với thời gian trước, hy vọng cho lần giảm lãi suất này mang tính thực chất hơn. Cứu DN cũng chính là cứu ngân hàng, do đó các ngân hàng cần phải giải phóng một lượng vốn huy động đang tồn kho càng sớm càng tốt. Cũng bởi thế, trong thời gian tới có thể diễn ra một cuộc đua “thể thức trung bình” về cho vay vốn với giá “ưu đãi”.

Thế nhưng như thái độ hoài nghi của chủ DN cơ khí đã đề cập ở phần đầu bài viết này, mọi tâm lý lạc quan đều chỉ mới chớm nở và luôn được khoác một cái áo có màu sắc… phòng thủ. Nếu hoạt động siết tín dụng của các ngân hàng trong những tháng trước đa phần mang màu sắc lợi ích nhóm của họ thì không có gì bảo đảm là trong quý III này, sau khi đã giải phóng một lượng vốn tồn ứ, nhóm ngân hàng lại không tăng lãi suất và siết tín dụng trở lại.

VIỆT THẮNG


Nguồn tin: phapluattp.vn