Luật Tố tụng hành chính với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện.

Khởi kiện vụ án hành chính là giai đoạn tố tụng đầu tiên của hoạt động tố tụng hành chính, phát sinh từ việc khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm do người hoặc cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước gây ra.

Truớc ngày 01/7/2011, việc khởi kiện vụ án hành chính được tiến hành theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (được sửa đổi bổ sung vào các năm 1998, 2006 – gọi chung là Pháp lệnh). Nhìn chung, Pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vụ án hành chính, góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong những năm qua cho thấy các quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế và bất cập, làm giảm hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án cũng như gây trở ngại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính.

Để khắc phục những hạn chế ấy, ngày 24/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính gồm 18 chương, 265 điều với nhiều nội dung tiến bộ, tích cực, mở rộng việc thực hiện quyền khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức. So với Pháp lệnh, Luật Tố tụng hành chính đã có những sửa đổi quan trọng và quy định thêm nhiều nội dung mới, như việc quy định cụ thể các nguyên tắc xét xử hành chính, quy định chi tiết về thủ tục thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án… Điển hình nhất là Luật Tố tụng hành chính đã có nhiều quy định tiến bộ liên quan đến việc khởi kiện vụ án hành chính, như bỏ thủ tục khiếu nại hành chính trước khi khởi kiện tại Tòa án, mở rộng thời hiệu khởi kiện, mở rộng các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, phân biệt thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện.v.v...

Các quy định của pháp luật về khởi kiện vụ án hành chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với các bên tham gia quan hệ tố tụng hành chính; đặc biệt, đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện.

Khởi kiện vụ án hành chính là phương thức hiệu quả để cá nhân, tổ chức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án khi phát sinh tranh chấp hành chính với cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Với việc khởi kiện vụ án hành chính, các cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua hoạt động tố tụng hành chính công khai. Ở đây, Tòa án có thẩm quyền thực hiện việc giải quyết tranh chấp hành chính với tư cách như là sự kiểm tra của cơ quan tư pháp đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành pháp trong những trường hợp cụ thể. Thẩm quyền này được nhận định là sự kiểm tra từ bên ngoài đối với quyết định hay hành vi hành chính của cơ quan hành chính, do Tòa án tiến hành. Xuất phát từ thẩm quyền phán xét độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không chịu các áp lực xã hội (tôn giáo, đạo đức, hay ảnh hưởng của cá nhân), cho nên nếu so sánh với việc khiếu nại hành chính thì có thể thấy việc khởi kiện vụ án hành chính có những lợi thế hơn trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Mặc khác, nó cũng bảo đảm sự khách quan, bình đẳng và dân chủ hơn so với hình thức giải quyết tranh chấp bằng con đường khiếu nại hành chính do chính các cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong các cơ quan đã ban hành ra quyết định hành chính, hành vi hành chính giải quyết.

Kết quả giải quyết vụ án hành chính là các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức sẽ được phục hồi và nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật, được tuyên trong bản án. Như vậy, có thể thấy khi thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính, các cá nhân, cơ quan, tổ chức vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình vừa tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của nền hành chính Nhà nước./.

Minh Tâm
Thứ sáu, 23 Tháng 8 2013


Nguồn tin: www.sotuphapqnam.gov.vn