Cẩn thận với lệnh tạm giam của tòa

Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Hiện nhiều tòa án có tình trạng, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, dù có quyết định đưa vụ án ra xét xử hay không;
 

 

Phiên tòa có được mở đúng ngày ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hay không nhưng nếu thời hạn tạm giam và gia hạn tạm giam của bị cáo đã hết mà phiên tòa chưa mở được thì tòa án ra lệnh “tạm giam bị cáo cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Các tòa áp dụng điều này vì luật có quy định. Tuy nhiên, nhiều khi các tòa vận dụng sai luật, biến lệnh tạm giam thành tạm giam vô thời hạn!

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Để áp dụng thống nhất quy định trên, Nghị quyết 04/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu đến ngày mở phiên tòa hoặc trong quá trình xét thời hạn tạm giam đã hết, thì trước khi thời hạn tạm giam còn lại không quá năm ngày, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải đề nghị chánh án hoặc phó chánh án tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Ngày mở phiên tòa là ngày mà tòa án ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ví dụ: Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, xác định phiên tòa khai mạc ngày 15-9-2012 nhưng vì lý do nào đó mà phiên tòa không mở đúng ngày 15-9-2012 thì tòa án không được xác định ngày 15-9-2012 là ngày mở phiên tòa để ra lệnh tạm giam bị cáo cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Cũng cần lưu ý là tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa chỉ khi đến ngày mở phiên tòa mà thời hạn tạm giam đã hết. Ví dụ: Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với bị cáo A, tòa án ấn định mở phiên tòa vào ngày 1-10-2012 và đúng ngày này (1-10-2012) thời hạn tạm giam của bị cáo đã hết thì tòa án mới được ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa. Trong quyết định tạm giam phải ghi rõ: “Tạm giam bị cáo A kể từ ngày 2-9-2012 cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, phải xét xử trong nhiều ngày, có bị cáo thời hạn tạm giam hết trong thời gian xét xử thì tòa án ra lệnh tạm giam bị cáo đó cho đến khi kết thúc phiên tòa. Ví dụ: Ngày 1-10-2012 là ngày khai mạc phiên tòa nhưng đến ngày 12-10-2012 thời hạn tạm giam của bị cáo B mới hết, thì tòa án ra lệnh tạm giam bị cáo B kể từ ngày 13-10-2012 cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Quy định và hướng dẫn là vậy nhưng các tòa án vẫn thực hiện không đúng; nhiều vụ án trong thời hạn xét xử tòa án không đưa vụ án ra xét xử được, cũng không quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà cứ “ngâm” cho đến khi thấy thời hạn tạm giam của bị cáo đã hết thì ra lệnh “tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Còn ngày nào mở phiên tòa thì không cần biết, phiên tòa diễn ra một ngày hay nhiều ngày không quan tâm! Ra lệnh tạm giam xong là không còn lo vi phạm tố tụng. Lệnh tạm giam kiểu này thực chất là “tạm giam vô thời hạn”!? Do đó, việc hiểu và áp dụng đúng quy định về tạm giam bị cáo cho đến khi kết thúc phiên tòa là rất cần thiết, không chỉ với các tòa án mà cả với bị cáo.

ĐINH VĂN QUẾ


Nguồn tin: phapluatvn.vn