Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu: Phải nêu lý do nhà thầu không trúng thầu

Ảnh không minh họa

Ảnh không minh họa

Việc minh bạch thông tin sẽ góp phần rất lớn vào chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu. Các quy định mới về đấu thầu có nhiều nội dung nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch, công khai trong đấu thầu, trong đó có quy định liên quan đến thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu.

 

Theo quy định của Điều 41 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và Khoản 13 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12, ngay sau khi phê duyệt kết quả đấu thầu, chủ đầu tư cần gửi văn bản thông báo kết quả đấu thầu đến các nhà thầu tham dự thầu và trong thông báo kết quả đấu thầu, không phải giải thích lý do đối với nhà thầu không trúng thầu.

Thực tiễn trong những năm qua, phóng viên Báo Đấu thầu đã nhận được nhiều chia sẻ từ các nhà thầu tham gia đấu thầu nhưng không trúng thầu. Nhiều nhà thầu không rõ lý do vì sao trượt thầu, trong khi hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu và giá rất cạnh tranh, đã rất bức xúc, thậm chí đặt nghi vấn gian lận, thông thầu. Cũng có những chủ đầu tư, vì không đấu thầu một cách minh bạch, cố tình lựa chọn nhà thầu “thân quen”, nên đã loại nhà thầu có đủ năng lực, đáp ứng tốt hơn điều kiện của gói thầu. Và các nhà thầu bị loại nói trên dù có nghi vấn cũng không có đủ thông tin để kiến nghị.

Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/8/2014), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có nhiều nội dung mới nhằm tăng cường tính minh bạch về thông tin trong đấu thầu. Cụ thể, về thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Khoản 6 Điều 20 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP nêu rõ: Sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định (…); gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho các nhà thầu tham dự thầu trong thời hạn quy định tại Điểm n Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu. Nội dung thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm: tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu, loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng; danh sách nhà thầu không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu; kế hoạch hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; các nội dung cần lưu ý (nếu có).

Quy định này nhận được sự đánh giá rất cao của nhiều nhà thầu tham gia đấu thầu một cách thực sự. Nhiều nhà thầu nhận xét, việc nêu lý do không trúng thầu của từng nhà thầu tham dự thầu sẽ giúp minh bạch, công khai hơn về quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu và khiến chủ đầu tư không thể “một tay che cả bầu trời”, tùy tiện trong đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu không trúng thầu cũng có thể “tâm phục khẩu phục” khi bị loại, nếu chủ đầu tư lựa chọn đúng, hoặc có đủ thông tin để kiến nghị, phản ánh. 

Theo Giáo sư Daniel Gordon, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu Luật Mua sắm công, Đại học George Washington (Hoa Kỳ), quy định này cũng rất phù hợp với thông lệ quốc tế. Giáo sư Daniel Gordon cho biết, một trong những yếu tố để đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu là cần phải có một khoảng thời gian “nghỉ” giữa thời điểm công bố người trúng thầu và thời điểm ký kết hợp đồng. Những nhà thầu không được lựa chọn phải được cung cấp đầy đủ thông tin vì sao không trúng thầu để chuẩn bị  kiến nghị và thông tin phải được cung cấp trong khoảng thời gian “nghỉ” nếu có.

Tuy nhiên, dù Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã có hiệu lực, nhưng phóng viên Báo Đấu thầu vẫn nhận được phản ánh từ một số nhà thầu cho biết, trong nhiều thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư chưa nêu lý do không được lựa chọn của từng nhà thầu. Theo phản ánh của một nhà thầu, ngày 25/8/2014, chủ đầu tư một gói thầu trị giá 37 tỷ đồng tại Hưng Yên đã có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gửi tới nhà thầu, nhưng trong thông báo, chủ đầu tư chỉ nêu tên nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu, hình thức và thời gian thực hiện hợp đồng, mà không nêu lý do không trúng thầu của các nhà thầu. Nhà thầu không trúng thầu đã kiến nghị, đề nghị chủ đầu tư làm rõ tại sao nhà thầu chào giá dự thầu thấp hơn nhà thầu trúng thầu đến 7 tỷ đồng lại không trúng thầu? 

Đây không phải là trường hợp duy nhất phản ánh về hiện tượng này sau thời điểm Nghị định 63/2014/NĐ-CP có hiệu lực. Trong nhiều trường hợp, câu trả lời của chủ đầu tư là do chưa nắm được quy định mới. Vì thế, các đơn vị cần nhanh chóng cập nhật các nội dung đổi mới của pháp luật về đấu thầu, nghiêm túc triển khai để công tác đấu thầu thực sự minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Bên cạnh đổi mới về thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng quy định thêm về thông tin khi hủy thầu. Theo Khoản 5 Điều 20 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP, trường hợp hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 (tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu), trong văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc văn bản quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do hủy thầu và trách nhiệm của các bên liên quan khi hủy thầu. Quy định cũ tại (Khoản 2 Điều 43) Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 không quy định phải nêu rõ lý do hủy thầu trong trường hợp không có nhà thầu trúng thầu, mà chỉ yêu cầu: Căn cứ vào quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo đến các nhà thầu tham gia đấu thầu về việc hủy đấu thầu.

Cao Dung

Theo Báo Đấu thầu

=========================================


Nguồn tin: Thư viện pháp luật