Quyết định và hành vi hành chính: Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính (tiếp theo kỳ trước)

Ảnh không minh họa

Ảnh không minh họa

2. Xác định HVHC là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính

- HVHC là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 3 Luật TTHC).

Theo khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì để xác định cho rõ đâu là HVHC của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác; đâu là hành vi của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác; và đâu là hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cần phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền, thời hạn thực hiện đối với nhiệm vụ, công vụ đó để phân biệt; cụ thể như sau:

+ HVHC của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác (gọi tắt là cơ quan, tổ chức): Theo quy định của pháp luật, thì nhiệm vụ, công vụ cụ thể thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức do người trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện theo sự phân công hoặc uỷ quyền, uỷ nhiệm thì hành vi đó là HVHC của cơ quan, tổ chức chứ không phải là HVHC của người đã trực tiếp thực hiện HVHC đó.

 

 

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 126 của Luật đất đai thì hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nộp tại UBND xã, phường, thị trấn. Ông Nguyễn Văn A đã nộp hồ sơ xin chuyển đổi quyền sử dụng đất tại UBND xã X theo đúng quy định, nhưng bà Trần Thị C là cán bộ nhận hồ sơ của UBND xã này đã trả lại hồ sơ cho ông A và không nêu lý do của việc trả lại hồ sơ đó. Trong trường hợp này, hành vi trả lại hồ sơ cho ông A là HVHC của UBND xã X chứ không phải là HVHC của bà Trần Thị C.

HVHC của người có thẩm quyền: Việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể do người được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trong cơ quan, tổ chức thì việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể đó là HVHC của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ trực tiếp thực hiện hay phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người khác thực hiện nhiệm vụ.

Ví dụ: Theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch UBND xã H là người có thẩm quyền tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông D, nhưng đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND xã này trực tiếp tổ chức việc cưỡng chế. Trong trường hợp này, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông D là HVHC của Chủ tịch UBND xã H chứ không phải là HVHC của Phó Chủ tịch UBND xã này.

+ Hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức: Theo quy định của pháp luật thì việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của cơ quan, tổ chức, nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình thì được coi là hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đây là loại hành vi được thực hiện dưới dạng “không hành động” của cơ quan, tổ chức, không phụ thuộc vào việc nhiệm vụ, công vụ đó được phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người nào trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện.

Ví dụ: Theo Điều 7 của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29-8-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh A có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp được thành lập trong địa giới hành chính tỉnh. Doanh nghiệp N đã nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ, nhưng quá thời hạn mà pháp luật quy định, Phòng đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp N. Trong trường hợp này, việc không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp N là HVHC của Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh A.

+ Hành vi của người có thẩm quyền không thực hiện nhiệm vụ, công vụ: Theo quy định của pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ cụ thể là của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật mà người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó không thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đây là hành vi được thực hiện dưới dạng “không hành động” của người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào việc họ đã phân công, uỷ quyền, uỷ nhiệm cho người khác thực hiện nhiệm vụ.

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 30 của Luật cư trú thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn phải cấp sổ tạm trú cho hộ gia đình hoặc cá nhân đề nghị. Bà X đã nộp đủ giấy tờ theo quy định đề nghị Trưởng Công an xã N cấp sổ tạm trú, nhưng quá thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ mà Trưởng Công an xã N không cấp sổ tạm trú cho bà X. Trong trường hợp này, việc không cấp sổ tạm trú cho bà X là HVHC của Trưởng Công an xã N.

Với những phân tích cụ thể trên đây, chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ xác định và phân biệt được đâu là Quyết định hành chính, đâu là hành vi hành chính cụ của cơ quan, tổ chức hay cá nhân có thẩm quyền để có quyết định đúng đắn khi tiến hành một vụ kiện hành chính./.

Quỳnh Ly
Thứ năm, 05 Tháng 9 2013

Nguồn tin: www.sotuphapqnam.gov.vn