Quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện trong giai đoạn khởi kiện vụ án hành chính

Ảnh không minh họa

Ảnh không minh họa

Ở các bài trước, Quý độc giả đã được giới thiệu và khái quát về các vấn đề cơ bản của tố tụng hành chính như điều kiện về chủ thể khởi kiện, đối tượng khởi kiện, thẩm quyền tòa án, thời hạn, thời hiệu khởi kiện… Bài viết này tiếp tục giới thiệu về quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện trong giai đoạn khởi kiện vụ án hành chính. Giai đoạn khởi kiện ở đây được hiểu là quá trình kể từ khi người khởi kiện quyết định mình sẽ khởi kiện vụ án hành chính cho đến khi họ thực tế nộp đơn khởi kiện lên Tòa án. Trong giai đoạn này người khởi kiện có những quyền và nghĩa vụ nổi bật như sau:

1. Quyền của người khởi kiện

- Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và quyền khởi kiện vụ án hành chính: khởi nguồn cho quy trình tố tụng và được xem như một quyền “hiến định”, quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại Điều 5, Luật TTHC: Cá nhân,cơ quan,tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”. Tiếp theo đó, Điều 103, Luật TTHC quy định về quyền khởi kiện vụ án hành chính, trong đó quy định quyền khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Như vậy, khi có phát sinh tranh chấp trong lĩnh vực hành chính, điều đầu tiên chúng ta cần làm là xem xét sự việc đó có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính hay không? Tiếp theo đó, phải kiểm tra các điều kiện về chủ thể, thời hạn, thời hiệu, thẩm quyền của tòa án

-  Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện: được quy định tại Điều 7, Luật TTHC: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền rút, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình theo quy định của Luật này”. Quyền này đã được chúng tôi giới thiệu và làm rõ ở một bài viết trước đây.

- Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 6, Luật TTHC thì: “Người khởi kiện có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Quyền này cho phép người khởi kiện kèm theo yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp xác định được thiệt hại do hành vi hành chính, quyết định hành chính gây ra. Tuy nhiên cần lưu ý là không phải yêu cầu bồi thường thiệt hại nào cũng được giải quyết ngay trong vụ án hành chính, trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Toà án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.

- Quyền được bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: được quy định tại Điều 11, Luật TTHC, theo đó: “Đương sự tự mình hoặc có thể nhờ luật sư hay người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.

Đối với người khởi kiện, quyền này có thể hiểu là quyền yêu cầu người đại diện hoặc quyền yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Nghĩa là để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người khởi kiện có quyền yêu cầu người đại diện, thuê luật sư hoặc nhờ người khác am hiểu về pháp luật thay họ đứng ra bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Vấn đề người đại diện và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự được quy định cụ thể ở các Điều 54 và Điều 55 Luật TTHC.

- Quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện: Mặc dù Luật TTHC quy định cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi người khởi kiện nộp đơn thì bị Tòa án trả lại đơn khởi kiện. Trong trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện, pháp luật quy định cho người khởi kiện quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện. Điều 110, Luật TTHC quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với những trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện. Theo đó: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Toà án đã trả lại đơn khởi kiện”. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, Chánh án Tòa án phải ra quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khởi kiện có quyền khiếu nại lên Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp phải giải quyết. Quyết định của Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp là quyết định giải quyết cuối cùng. Ví dụ, Tòa án nhân dân cấp huyện trả lại đơn khởi kiện thì người khởi kiện có quyền khiếu nại lần đầu lên Chánh án Tòa án nhân dân huyện đó, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì tiếp tục được khiếu nại lần 2 lên Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 là quyết định giải quyết cuối cùng.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện thủ tục khiếu nại, người khởi kiện phải xem xét các lí do mà Tòa án trả lại đơn khởi kiện có đúng theo quy định pháp luật không? Vì theo quy định của Luật TTHC thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau: 1) người khởi kiện không có quyền khởi kiện; 2) người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính; 3) thời hiệu khởi kiện đã hết mà không có lý do chính đáng; chưa có đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính; 4) sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; 5) sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án; 6) người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại; 7) đơn khởi kiện không có đủ nội dung theo quy định; 8) không nộp biên lai tạm ứng án phí đúng thời hạn.

Nếu các lí do Tòa án đưa ra phù hợp với các quy định pháp luật nêu trên thì người khởi kiện không nên khiếu nại. Về vấn đề này, ở các bài viết sau chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn.

2. Nghĩa vụ của người khởi kiện

- Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính: nghĩa vụ này được quy định tại Điều 70, Luật TTHC. Theo đó: “Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do.”

Việc cung cấp các chứng cứ ban đầu được thực hiện khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Các loại giấy tờ theo yêu cầu trên nhằm chứng minh cho việc khởi kiện là có cơ sở.

- Nghĩa vụ cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại: trong rất nhiều trường hợp người khởi kiện  vừa nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án lại vừa khiếu nại lên người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, gây ra sự chồng chéo trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự. Do đó, Tòa án yêu cầu người khởi kiện phải cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, với những trường hợp đã nộp đơn ở cả 2 nơi thì Tòa án sẽ yêu cầu người khởi kiện lựa chọn nơi giải quyết. Quy định cụ thể về việc lựa chọn nơi giải quyết khi đương sự khởi kiện tại Tòa án đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được hướng dẫn cụ thể tại Điều 5, Nghị quyết 02/HĐTP ngày 29/7/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTHC.

- Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí: Khoản 21, Điều 49, Luật TTHC quy định về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Sau đây, chúng tôi cũng nêu ra một số quy định về án phí trong lĩnh vực hành chính theo Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để độc giả theo dõi:

+Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí.

Án phí hành chính sơ thẩm (án phí hành chính phúc thẩm) là 200.000 đồng;

+ Không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí với trường hợp khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

Miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí: đối với trường hợp người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng; người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh; cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;

+ Người thuộc diện được miễn nộp toàn bộ hoặc một phần tiền tạm ứng án phí, án phí phải làm đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí. Việc xem xét và xử lý đơn được thực hiện theo quy định của pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án./.

Vĩnh Can
Thứ hai, 30 Tháng 9 2013

Nguồn tin: www.sotuphapqnam.gov.vn