Luật Biển là cơ sở pháp lý để bảo vệ biển, đảo

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Theo chinhphu.vn ngày 25-6, sau khi Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời báo chí về một số nội dung của bộ luật này.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác (DR)
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác (DR)

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 từ năm 1994, tuy nhiên cho đến nay Việt Nam chưa có một văn bản luật về biển. Vì vậy việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. “Có thể nói đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam. Về chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trước đây đã được nêu tại một số quy định trong các văn bản luật như Luật Biên giới quốc gia năm 2003, nay tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển Việt Nam. Luật Biển Việt Nam quy định rõ nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế.

AT


Nguồn tin: phapluattp.vn