Danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính

Theo khoản 2 điều 28 Luật tố tụng hành chính thì khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cũng là một trong những khiếu kiện thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Loại đối tượng này được quy định cụ thể tại Điều 26 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 27 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nếu như Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996 (qua các lần bổ sung 1998, 2006) vẫn quy định thủ tục khiếu nại hành chính là điều kiện bắt buộc trước khi khởi kiện vụ án hành chính thì Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã loại bỏ quy định “tiền tố tụng” này. Riêng đối với trường hợp khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vẫn phải trải qua thủ tục khiếu nại với người có thẩm quyền trước khi thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính. Khoản 3 Điều 103 Luật tố tụng hành chính năm 2010 quy định: “Cá nhân có quyền khởi kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại”.

Xuất phát từ tính chất đặc thù của loại việc này liên quan đến hoạt động tổ chức bầu cử của cơ quan có thẩm quyền mà Luật Tố tụng hành chính quy định cần phải khiếu nại trực tiếp để cơ quan lập danh sách cử tri kiểm tra, xem xét nhằm kịp thời khắc phục thiếu sót. Như vậy, đối với khiếu kiện về việc lập danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, cá nhân chỉ có quyền khởi kiện trong trường hợp là đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết hoặc khiếu nại đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại đó. Điều đó có nghĩa là, khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không ra quyết định giải quyết khiếu nại thì cá nhân vẫn có quyền thực hiện khởi kiện vụ án hành chính. Quy định như vậy vừa đảm bảo cho hoạt động bầu cử diễn ra đúng tiến độ thời gian theo luật định vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri liên quan.

Tuy nhiên, hiện nay theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2001, 2010) và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) lại quy định cá nhân chỉ có quyền khởi kiện trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nhưng không đồng ý với cách giải quyết khiếu nại. Quy định này có sự bất cập so với Luật Tố tụng hành chính, như đã nêu trên. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong nhận thức của nhiều người đối với việc xác định đối tượng khởi kiện cũng như sự khó khăn cho cá nhân khi tiến hành khởi kiện vụ án hành chính. Do đó, để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, thiết nghĩ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành cần có hướng khắc phục vấn đề trên.

Điều cần lưu ý là nội dung quyền khởi kiện nói trên là quyền của cá nhân, được khiếu kiện khi thấy không có tên mình trong danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (cơ quan, tổ chức không có quyền này)./.

Tùng Lưu
Thứ năm, 12 Tháng 9 2013

 

Nguồn tin: www.sotuphapqnam.gov.vn