Cải cách hành chính: Quá chậm!

Cần đẩy nhanh cải cách hành chính trong những lĩnh vực như xây dựng, quản lý đất đai, nhà ở... Trong ảnh: Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 6 – TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Cần đẩy nhanh cải cách hành chính trong những lĩnh vực như xây dựng, quản lý đất đai, nhà ở... Trong ảnh: Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 6 – TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh

Nạn nhũng nhiễu, vô cảm trong đội ngũ cán bộ công chức và sự rườm rà, chồng chéo trong các quy định là những lực cản trì kéo quá trình thực hiện cải cách hành chính ở nước ta

Hôm qua (9-11), Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận về thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, bao gồm nhà ở, xây dựng nhà ở, thuế và hải quan.

 
Đẩy khó cho dân
 
Không phủ nhận những kết quả đã đạt được trong quá trình 10 năm thực hiện CCHC mà trọng tâm là quyết liệt thực hiện Đề án 30 của Chính phủ từ tháng 7-2010, nhiều đại biểu (ĐB) QH thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác này. Đó là thực trạng nhũng nhiễu, vô cảm trong đội ngũ công chức thi hành và sự rườm rà, chồng chéo trong các quy định.
 
ĐB Nguyễn Thị Hải (Đồng Nai) phản ánh người dân rất khổ, rất sợ phải đến các cơ quan làm thủ tục giấy tờ nhà đất, cấp phép xây dựng, vay vốn, đăng ký kinh doanh... Người thi hành nhiệm vụ thì sách nhiễu, các quy định thì rườm rà, ngay cả khi được công bố đầy đủ, người dân - kể cả trí thức - vẫn không thể hiểu, cho nên phải lót tay, bôi trơn. “Cơ quan hành chính, thực chất “hành là chính”. Để đạt được sự tận tụy, còn rất dài và rất xa” - ĐB Nguyễn Thị Hải đánh giá.
 
 
Cần đẩy nhanh cải cách hành chính trong những lĩnh vực như xây dựng, quản lý đất đai, nhà ở...
Trong ảnh: Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 6 – TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Chung nỗi bức xúc, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) nói: Dân nộp “đơn xin” nên công chức “cho” lúc nào là tùy ý, vì cơ chế xin - cho còn phổ biến. Trong thủ tục cấp phép xây dựng, dân đưa phong bì thì cán bộ đến tận nơi làm giấy tờ, còn không thì dân phải tự đi xếp hàng... ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng chúng ta đã cải cách nhiều nhưng trong dân vẫn còn kêu ca vì thủ tục được ban hành theo hướng đẩy khó cho dân. Thực chất, cơ chế một cửa nhưng đồng thời mở thêm các cửa khác!
 
Theo ghi nhận của ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM), hiện nay tại các cơ quan hành chính không còn thấy yêu cầu “Xuống xe xuất trình giấy tờ” nữa nhưng vẫn còn 3 không: Không cười, không giải thích, nói không có chủ ngữ; và 3 khó: Cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi.
 
Từ “quản dân” sang “hầu dân”
 

Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong tổng số 5.421 TTHC được rà soát, những bộ - ngành và chính quyền địa phương các cấp đã kiến nghị để bãi bỏ 480 thủ tục, thay thế 192 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục. Kết quả là đã thông qua phương án đơn giản hóa 258 thủ tục, tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Theo ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai), giai đoạn 1 đã hoàn thành mục tiêu đơn giản 30% số lượng thủ tục nhưng chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm, giảm chi phí như kế hoạch đề ra. Điều này chứng tỏ TTHC đơn giản hóa chưa đúng chỗ.
 
Để cải thiện tình hình, ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) khẳng định phải thay đổi từ tư duy “quản dân” sang “hầu dân” mới xây dựng được thể chế và bộ máy phù hợp.
 
Trong CCHC, quan trọng nhất là nhân tố con người, cán bộ xử lý công việc chậm, sách nhiễu phải bị xử lý nghiêm. “Thước đo sự thành công của CCHC không phải cắt giảm được bao nhiêu mà là đem lại thuận lợi bao nhiêu cho người dân, vì vậy hằng năm cần đánh giá rút kinh nghiệm” - ĐB Hằng đề nghị.
 
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng trong 3 nút nghẽn của nền kinh tế là hạ tầng, nhân lực, TTHC thì cải cách TTHC mất ít chi phí đầu tư nhất nhưng lại là khó nhất vì liên quan đến con người.
 
Chính bộ máy đẻ ra thủ tục hành chính, ban hành một luật lại thêm một cơ quan, làm bộ máy khó vận hành. Nếu không tổ chức lại được bộ máy thì dù thực hiện bao nhiêu đề án đi nữa cũng vẫn chưa thể có hiệu quả. ĐB Lịch kêu gọi QH ủng hộ Chính phủ nâng cấp cơ quan chuyên trách hành chính thành “máy xén”. Quyết tâm chuyển nền hành chính từ hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ.
 
Trước đề nghị của các ĐBQH về việc ra nghị quyết chuyên đề  giám sát cải cách TTHC, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết trình QH xem xét thông qua tại một phiên họp khác.
Tô Hà

Nguồn tin: Người lao động