Nghệ sĩ Vương Cảnh: Ba chìm, bảy nổi với cải lương

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nhắc đến Vương Cảnh, khán giả lại nhớ và ấn tượng Thạch Sanh mặc dù nghệ sĩ này đã tham gia hàng trăm vở diễn. Đó là vai diễn gắn liền với tên tuổi của anh. Ngoài ra, anh còn lấy Thạch Sanh làm tên quán. Cuộc đời của anh cũng lắm phong trần, ba chìm bảy nổi...
 

Làm mướn nuôi mẹ

 

Tuổi thơ anh có nhiều tủi phận. Đi tu từ nhỏ, đến năm 13 tuổi, anh xin sư thầy thôi tu về đi làm mướn nuôi mẹ. Anh đã trải qua tuổi thơ ấu cơ cực, làm mướn đủ nghề từ hái cóc, hái xoài cho đến cắt lúa mướn.

 

27 tết năm ấy, anh làm được 18 giạ lúa, bèn ghé Sa Đéc bán tám giạ, còn 10 giạ đem về nhà để hai mẹ con có cái tết vui. 28-29 tết, bạn bè rủ đi cắt được thêm hai giạ lúa. Tối 30 về nhà, mẹ khóc cho biết nhà bị trộm vơ vét sạch, cũng may anh vừa có hai giạ lúa. Đêm 30 tết, chợ không còn bán quần áo, anh đành ở nhà nằm co ro đón giao thừa. Sáng mùng 1 bạn bè cắt lúa sang rủ đi chơi, anh mặc cảm không đi. Bạn bè năn nỉ quá, anh đành chiều bạn nhưng phải mặc áo quần miếng vá đùm vá chụp. Ra đường, mọi người nhìn anh lắc đầu.

Chân dung nghệ sĩ Vương Cảnh. Ảnh: T.KHANH

 

Tình cảnh của anh chẳng khác gì hai câu thơ của Chế Lan Viên: “Có một người nghèo không biết tết, Mang lì chiếc áo độ xuân tàn…”. Thậm chí khi đến rạp xem phim Bạch Tuyết và bảy chú lùn, bảo vệ còn đuổi anh ra ngoài vì nghĩ anh đi ăn trộm.

 

Theo nghề bằng đam mê

 

Nghệ sĩ Vương Cảnh đến với nghệ thuật cải lương bằng đam mê. Hễ nằm ngủ là anh hát, hát theo những giọng ca mà anh đã nghe, đã xem và đã thấy. Tuy không có thầy dạy nhưng anh cứ thích hát. Lớn lên, anh được ông thầy Mười Tĩnh nhà có cây đàn kìm chỉ dạy. Tuy đã học được nhiều bài hát nhưng anh phải đi làm mướn nuôi mẹ.

 

Trong lúc đi chơi ở ấp Phước Định, anh gặp ông thầy Bảy đàn cò (còn gọi là Bảy cò chim). Ngẫu hứng, anh cất tiếng hát nhưng bị ông Bảy đàn cò mắng: “Mày về ăn tám giạ lúa cũng không ca được!”. Nghe vậy, anh buồn vô hạn. Anh mặc cảm và tự ái với nhóm bạn tài tử gồm Hoàng Dân, Hoàng Thông, Hoàng Thiệp, Hoàng Ẩn, nhất là với bà con đang xem cúng đình. “Từ lời nói của bác Bảy, tôi đã dày công học trong ba nam sáu bắc. Khi gặp lại thầy Bảy đàn cò, ông gảy đàn không nói, chỉ gật gật đầu. Tôi tự tin hơn. Lúc nhỏ ai mướn gì tôi cũng làm từ chài lưới, lặn sông, tát cá, tát mương, cày ruộng, mùa làm khoai mỡ cũng làm... nhưng lại mê hát. Leo cây tôi hát, hái sầu riêng tôi cũng hát. Tôi mê hát mà mẹ không cho đi” - nghệ sĩ Vương Cảnh tâm sự.

Nghệ sĩ Vương Cảnh đổi áo vest cho khán giả. Ảnh: T.KHANH

Khi hai tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long sáp nhập thành Vĩnh Trà, chàng trai mê cải lương cùng người bạn Hoàng Diệu quyết định đeo đuổi nghiệp cải lương. Anh xin về đoàn cải lương Cửu Long. Ngoài giọng hát, anh chẳng có gì mang theo ngoài hai bộ đồ cũ nhèm. Được ông trưởng đoàn cho cái áo thun, anh trân trọng và gìn giữ cận thận vì thời đó áo thun rất quý. Anh vừa làm tiền đài, hậu đài, vừa làm cả quân sĩ. Bị sai vặt từ lau chà nhà vệ sinh đến giặt áo quần cho kép chánh nhưng vì đam mê được lên sân khấu nên anh nhẫn nhục chịu đựng.

 

Dịp may, vợ của hề Thanh Hồng sanh nên ông phải nghỉ hai tháng. Không có ai hát hài, trưởng đoàn hỏi nên anh nhận hát. Sau đó, kép độc bệnh nghỉ, anh thay làm kép độc với vở tuồng đầu tiên là Mai An Tiêm, khi đó anh mới 20 tuổi mà phải hóa trang thành 70 tuổi. Từ quân sĩ, anh hát hài lên kép chánh. Chẳng may trong một đêm diễn, anh bị người bạn diễn chém gãy mũi (ba khớp, phải may ba mũi) trong vở Tình yêu và đại nghĩa do chính ông trưởng đoàn Trần Mộng là soạn giả.

Vương Cảnh vừa hát vừa quyên tiền tại chỗ làm từ thiện. Ảnh: T.KHANH

Cúng gà đổi nghệ danh

 

Bị tai nạn nghề nghiệp nhưng lại không được trả lương, anh cũng suy nghĩ hoài. Nhận thấy nghệ danh Châu Sơn Hùng hát mấy đoàn huyện, hát kiểu ca bậy, tự biên tự diễn bị chê hoài nên anh đổi thành Sơn Hùng. Khán giả lại chửi: “Sơn phét chứ Sơn Hùng gì?”. Buồn, anh lại mua gà cúng, đổi tên là Giang Hùng nhưng cũng lại bị khán giả la hét: “Gian manh chứ Giang Hùng gì?”. Anh lại về đoàn cải lương Phù Sa của ông bầu Hữu Lợi và đổi nghệ danh thành Vương Hùng. Khi sang đoàn cải lương Tiền Giang, anh đổi thành Vương Cảnh.

 

Nói về nghệ danh Vương Cảnh, anh cho biết: “Sau đêm hát với nghệ danh mới Vương Cảnh, sáng ra tôi đi lang thang gặp được một cụ bà. Cụ bảo cho gặp trưởng đoàn, tôi hỏi cụ gặp có chuyện gì. Bà bảo nghệ sĩ Vương Cảnh trẻ, đẹp trai nhưng hát dở quá, phải bảo ông bầu đổi chứ không tụi tui quyết không xem nữa. Tôi đâm buồn nhưng vì hết tiền mua gà cúng đổi tên nên để vậy. Nhiều người lầm tưởng cho rằng vì tôi dựa tiếng hai giọng ca Minh Cảnh và Minh Vương đang lên nên ghép lấy nghệ danh. Nghĩ cũng buồn!”.

 

Thế mà nhờ nghệ danh Vương Cảnh, anh được ký nhiều hợp đồng. Lúc ấy, cả thành phố có 13 đoàn thì nghệ sĩ Vương Cảnh đã hát bảy đoàn. Lần hát ba ngày tết tại Gò Dầu, thù lao anh nhận được đựng cả cặp tiền.

Nghệ sĩ Vương Cảnh đang tập tuồng tại nhà. Ảnh: T.KHANH

Vương Cảnh thường xuất hiện trong các chương trình từ thiện của chùa Nghệ Sĩ. Anh dành toàn bộ số tiền để tặng các nghệ sĩ nghèo, bệnh tật đang cần sự giúp đỡ. Trong một lần bốc thăm may mắn, anh trúng một hạt kim cương 4,2 ly, anh đem đấu giá tặng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ nghèo của báo Sân Khấu TP.HCM. “Tôi nghĩ mà thương cuộc đời của những người nghèo cùng cảnh ngộ như tôi ngày xưa - tết không có quần áo mới mặc”- nghệ sĩ Vương Cảnh xúc động. Kỷ niệm vui với anh là một chuyến đi diễn ở tỉnh. Khi đó, một cụ già trông anh mặc áo vest màu vàng đẹp quá nên cứ xuýt xoa. Anh liền cởi đổi áo nông dân. “Về nhà, thấy vợ ngạc nhiên về cách ăn mặc, tôi kể lại chuyện đổi áo, vợ cười” - nghệ sĩ Vương Cảnh nói.

 

Vương Cảnh sinh năm 1960, tuổi Canh Tý, mạng Bích thượng thổ. Nhiều người bảo anh sinh nhằm mùa đông nên đời có hơi vất vả, lao đao. Bạn bè có thơ vui rằng: Còn gì đâu nữa để hơn thua/ Xuống tóc hai phen trước cổng chùa/ Nằm ngủ nhớ hoài đời hát xướng/ Khi thì làm tướng, lúc làm vua.

 

Không chỉ diễn cải lương, Vương Cảnh còn tham gia đóng phim. Tình yêu tốc độ (đạo diễn Xuân Cường) là bộ phim đầu tiên anh tham gia cùng diễn viên hoa hậu Kim Khánh, Diễm Hương, Hoàng Phúc, Võ Đức, Việt Anh... Trong Tiếng khóc dậy thì, anh vào vai giám đốc. Hiện anh đang quay bộ phim màn ảnh rộng Chuyện tình của anh (đạo diễn Võ Hữu Phước), khởi chiếu vào tháng 12-2011. Vợ, con của nghệ sĩ Vương Cảnh cũng là ca sĩ, diễn viên.

 

Nghệ sĩ Vương Cảnh tên thật là Nguyễn Sơn Hùng. Anh từng đoạt huy chương Vàng toàn quốc năm 1990 trong vở Tình không biên giới của đoàn cải lương Trung Hiếu (Bộ Công an), nhận bằng khen của Bộ Công an năm 1990. Anh đứng hạng bảy trong số 15 giọng ca được tuyển chọn Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 1991.

 

 

 

NGUYỄN TÝ - THOẠI KHANH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)


Nguồn tin: phapluattp.vn