XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG Tìm thị trường mới

Lao động VN do Gmas tuyển chọn, làm việc tại một trang trại chăn nuôi ở Israel. Ảnh: C.T.V

Lao động VN do Gmas tuyển chọn, làm việc tại một trang trại chăn nuôi ở Israel. Ảnh: C.T.V

Hầu hết các thị trường mới đều có thu nhập tương đối khá, lĩnh vực tuyển dụng đa dạng, phù hợp nhiều đối tượng lao động

Sau gần 2 năm trì trệ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động thăm dò thị trường và khai thác được những đơn hàng ở các thị trường mới, thị trường có thu nhập cao.

 
Mở thị trường Síp, Seychelles...
 
Theo thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN), từ tháng 8 đến nay, có khá nhiều  đơn hàng được cơ quan này cho phép DN triển khai. Nổi bật là ở thị trường Cộng hòa Síp, Tổng Công ty Thép VN (VSC) được cho phép triển khai hai đơn hàng cung ứng 50 lao động nữ giúp việc gia đình và 2 lao động nam lĩnh vực nông nghiệp.
 
Cũng ở thị trường này, Công ty TNHH một thành viên Vạn Hoa Hải Phòng (Havaco) được phép đưa 80 lao động và  Công ty CP Đầu tư Phát triển Thăng Long (TLG) đưa 50  lao động, cùng loại hình giúp việc gia đình.
 
Theo hợp đồng do các DN trên cung cấp, mức lương cơ bản của người lao động ở Cộng hòa Síp là 290 euro/tháng (1 euro khoảng 28.694 đồng) đối với lao động giúp việc gia đình và 425 euro/tháng đối với lao động nông nghiệp.
 
 
Lao động VN do Gmas tuyển chọn, làm việc tại một trang trại chăn nuôi ở Israel. Ảnh: C.T.V
 
Trong khi đó, ở châu Phi, Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1) được thí điểm đưa 28 thợ xây, thợ mộc sang Angola. Theo hợp đồng được thẩm định, lương cơ bản của thợ xây cung ứng sang Angola đạt 600 USD/tháng trong năm thứ nhất, 700 USD/tháng trong năm thứ hai; thợ mộc  từ 700 USD-800 USD/tháng.
 
Cùng khu vực châu Phi, Saigontourist hợp đồng với đối tác Constance Hotels Experience đưa 45 lao động sang Seychelles, Maldives và một số đảo quốc khác để làm nhân viên khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng với mức thu nhập từ 380 USD – 2.220 USD/tháng.
 
Lao động nông nghiệp “được mùa”
 
Ngoài VSC, nhiều DN khác cũng chủ động khai thác loại hình lao động nông nghiệp ở thị trường mới. Ở Canada, Công ty Thương mại – Du lịch và Dịch vụ hàng không (Alsimexco) ký kết hợp đồng với đối tác Global Horizon của Canada để đưa 50 lao động nam và 50 lao động nữ sang làm việc ở các trang trại với mức thu nhập 9,14 CAD/giờ. Cienco 1 ký hợp đồng với Highline Produce Ltd., của Canada cung ứng 6 nam, 6 nữ lao động nông nghiệp, thu nhập 10,25 CAD/giờ.
 
Từ tháng 7-2009, Công ty CP XKLĐ – Thương mại – Du lịch (TTLC) bắt đầu khai thác thị trường Thụy Điển và đã đưa được gần 300 lao động sang làm công việc thu hoạch hoa quả thời vụ (2 tháng).
 

Thị trường mới, chi phí cao

Ở hầu hết các thị trường mới, chi phí người lao động phải nộp khá cao. Ở thị trường Israel, tổng chi phí phải nộp khoảng 6.000 USD/người, thậm chí cao hơn tùy DN, trong đó riêng phí môi giới từ 3.000 USD – 4.000 USD. Sang Canada làm nông nghiệp, riêng phí môi giới đã là 6.000 USD/người. Lao động sang làm thời vụ nông nghiệp ở Thụy Điển đóng phí môi giới 2.000 USD/người...

Tháng 10 vừa qua, Cục QLLĐNN cho phép TTLC tiếp tục triển khai hợp đồng đưa 270 lao động sang nước này. Hợp đồng đăng ký thể hiện rõ lương tối thiểu của một lao động nông nghiệp sang làm việc tại Thụy Điển là 17.730 SEK (khoảng 54,4 triệu đồng/tháng).
 
Ở thị trường này, Công ty TNHH một thành viên XKLĐ – Thương mại – Du lịch Sovilaco cũng bắt đầu tuyển chọn theo hợp đồng cung ứng 72 lao động nông nghiệp.
 
Ở thị trường Israel, Cục QLLĐNN vừa thẩm định hợp đồng cung ứng 50 lao động do Công ty CP Nhân lực Toàn cầu (Gmas) và 160 lao động của Công ty CP Xây dựng – Dịch vụ và Hợp tác lao động Oletco.
 
Hiện có 6 DN được phép đưa lao động nông nghiệp sang thị trường này. Gần 100 lao động của Gmas sang Israel từ tháng 7 đến nay có thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 1.000 USD/người/tháng.
 
Thận trọng lựa chọn
 
Người lao động có thể lựa chọn một công việc phù hợp ở những thị trường mới có thu nhập tương đối khá như nói trên. Tuy thế, trở ngại là ở những thị trường này, VN chưa có quan hệ hợp tác lao động, chưa có ban quản lý lao động, trong khi DN còn thiếu kinh nghiệm trong quan hệ đối tác, khai thác hợp đồng, hạn chế về quản lý lao động đang làm việc. Đây là bất lợi lớn vì nếu rủi ro xảy ra, người lao động rất khó được bảo vệ và sẽ bị thiệt hại nặng về tài chính do phải tốn kém chi phí lớn trước khi đi.
 
Do vậy, theo hướng dẫn của Cục QLLĐNN, trước khi đăng ký người lao động phải tìm hiểu loại hình làm việc có phù hợp hay không; yêu cầu DN cung cấp thông tin đầy đủ về đơn hàng, hợp đồng; đọc kỹ hợp đồng, xác định rõ công việc sẽ làm, thu nhập, chi phí phải nộp...
DUY QUỐC

Nguồn tin: Người lao động