Thua thiệt vì làm ăn “kiểu VN”

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thực hiện hợp đồng kinh doanh không chặt chẽ, thiếu hiểu biết luật pháp quốc tế dễ khiến các doanh nghiệp VN đứng trước nguy cơ phải bồi thường một khoản tiền không nhỏ

Bộ Tư pháp vừa tiếp nhận đơn của Công ty Steelco - Hồng Kông đề nghị công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài yêu cầu Trung tâm Thương mại dịch vụ và Xuất khẩu lao động Petromanning - Chi nhánh của Công ty CP PetroVietnam, bồi thường một khoản tiền không nhỏ cho họ.

Đơn “đòi nợ” Petromanning đã được Công ty Steelco và các bên ủy quyền gởi đến Bộ Tư pháp
 
Theo hồ sơ, vào tháng 10-2009, Petromanning đã ký hợp đồng mua phôi thép với Steelco. Theo hợp đồng và các điều khoản, Petromanning phải thanh toán 2,425 triệu USD (±5%) cho Steelco bằng L/C và phải mở trong vòng 5 ngày kể từ khi ký kết hợp đồng. Hợp đồng nêu rõ trong trường hợp L/C không được mở như điều khoản quy định, bên bán có quyền lựa chọn chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp đó, bên mua sẽ phải trả cho bên bán một khoản phạt bằng 2% giá trị hợp đồng. Bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua bồi thường các thiệt hại từ việc bán lại hàng hóa.
 
Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, Petromanning đã không thực hiện nghĩa vụ mở L/C theo thỏa thuận và quy định; đồng thời cũng không thanh toán cho Steelco khoản tiền phạt bằng 2% giá trị hợp đồng tương đương 48.500 USD. Trên cơ sở đó, Steelco đã khởi kiện Petromanning lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông. Tuy vậy, Petromanning đã phớt lờ và không tham gia quá trình xét xử, bất chấp các yêu cầu của Hội đồng Trọng tài - Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông, cũng như thông báo của Steelco.
 
Ngày 14-6, Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định yêu cầu Petromanning phải trả ngay cho Steelco 48.500 USD cùng khoản lãi với lãi suất 5%/năm tính từ ngày 18-11-2009 (tạm tính đến ngày 20-7-2010 là 1.621 USD). Ngoài ra, Petromanning phải gánh khoản phí trọng tài 56.031 đô la Hồng Kông; tiền lãi các khoản phí trọng tài với mức lãi suất 5%/năm tính từ ngày Steelco thanh toán cho đến ngày được hoàn trả khoản tiền này (đến ngày 10-10-2010 là 752,2 đô la Hồng Kông).
 
Công ty Luật TNHH Bizlink được phía Steelco ủy quyền đại diện “đòi nợ” Petromanning. Tuy nhiên, dù đã có văn bản đề nghị thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông nhưng phía Petromanning vẫn tỏ ra hờ hững. Điều này buộc Công ty Bizlink phải gửi hồ sơ lên Bộ Tư pháp. Hiện vụ việc đang được Vụ Quan hệ Quốc tế - Bộ Tư pháp xem xét giải quyết. Theo đúng trình tự thủ tục, sau khi phê duyệt, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển tới tòa án để tiếp tục xem xét và ra quyết định thi hành án.
 
Một cán bộ Vụ Quan hệ Quốc tế cho biết nhiều doanh nghiệp VN khi thực hiện hợp tác kinh doanh với đối tác nước ngoài còn khá lơ là trong việc tìm hiểu pháp luật nước bạn và vẫn làm ăn với họ theo “kiểu VN”. Chính điều này là nguyên nhân dẫn tới các vụ tranh chấp và nếu doanh nghiệp VN tiếp tục không hiểu luật pháp nước đối tác sẽ dễ dẫn tới những khoản bồi thường không nhỏ.
 
“VN đã hội nhập quốc tế nhưng các công ty của chúng ta vẫn còn thiếu kinh nghiệm và khá lỏng lẻo khi thực hiện các hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân có thể khiến họ gặp phải những vụ kiện tụng không hề đơn giản” - luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink, nhận định.

Tương tự vụ VNA thua kiện 5,2 triệu euro

 
Một chuyên gia luật kinh tế quốc tế cho biết xét về tính chất, vụ Petromanning chẳng khác mấy vụ việc Vietnam Airlines (VNA) bị yêu cầu bồi thường 5,2 triệu euro trước đây. Trong vụ việc này, luật sư người Ý, ông Maurizio Liberati, đã yêu cầu VNA và đối tác, Công ty Falcomar, thanh toán những chi phí trong thời gian ông làm việc cho Falcomar vì công ty này giải thể. Tuy nhiên, trong phiên tòa năm 1995, VNA không cử đại diện tham dự dù đã được Đại sứ quán Ý tại VN chuyển giấy thông báo.
 
Do không lường trước diễn biến vụ việc, VNA không giải quyết rốt ráo, để vụ việc dây dưa, kéo dài. Đến năm 2004, Tòa Phúc thẩm Paris - Pháp ra phán quyết khẳng định VNA thua kiện, phải trả 5,2 triệu euro và 10.000 euro chi phí luật sư. Tháng 4-2006, tòa yêu cầu VNA chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa tại Ý, nếu không sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý đối với tài sản của VNA tại EU và Pháp... Đến nay, VNA vẫn đang theo đuổi vụ việc.
 
 
Bài và ảnh: Thế Kha

Nguồn tin: Người lao động