Cào bằng tiền lương, xem nhẹ đối thoại

Cào bằng tiền lương, xem nhẹ đối thoại
Chính sách tiền lương bất cập của doanh nghiệp và áp lực tăng giá khiến công nhân thêm nhọc nhằn

 

Áp lực thiếu lao động sau Tết buộc nhiều doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh chính sách tuyển dụng, trong đó xây dựng chế độ ưu đãi để thu hút công nhân (CN) mới.

Công nhân Công ty Theodore Alexander ngừng việc do thu nhập thấp
 
Có mới nới cũ?
 
Thế nhưng, chính sách này đã “phản tác dụng”, chẳng hạn Công ty Theodore Alexander (100% vốn Anh Quốc, KCX Linh Trung 2 - TPHCM). Tham gia giải quyết vụ ngừng việc tại đây, một cán bộ Phòng Quản lý lao động các KCX-KCN TP băn khoăn: “Xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút lao động là quyền của DN, song nhiều nơi đã không tính đến quyền lợi của những CN đã gắn bó lâu dài với mình. Từ đó làm mâu thuẫn phát sinh”.
 
Trong thực tế, phương thức tuyển dụng kiểu “có mới nới cũ” của DN đã gây bức xúc cho tập thể CN. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN bức xúc: “Công ty quy định CN mới sau thời gian học việc sẽ được hưởng mức lương 1,95 triệu đồng, trong khi chúng tôi làm việc lâu năm, có tay nghề cao lại chỉ được hưởng mức lương 1,8 triệu đồng. Mức chênh lệch không nhiều, song DN đối xử như vậy là thiếu công tâm”. Chưa hết, chính sách nâng lương của DN cũng bộc lộ nhiều hạn chế, gây thiệt thòi quyền lợi CN.
 
Điển hình là CN mới được tuyển dụng năm 2010 được nâng lương cao hơn số CN đã làm việc lâu năm. Thay vì trực tiếp đối thoại với CN, công ty lại “đối phó” bằng bản thông báo nội bộ, theo đó sẽ  “trợ cấp năng suất” và “thâm niên công tác” cho CN. Thế nhưng, cách làm này tiếp tục bị tập thể CN phản ứng, bởi theo họ, đây là sự nhập nhèm, nhất là khoản “trợ cấp năng suất” rất khó đạt được, vì khối lượng sản phẩm được giao đều đặn tăng. Trước khuyến cáo của các cơ quan chức năng, ban giám đốc công ty mới đồng ý đối thoại, sau đó nâng lương cơ bản cho toàn bộ CN trực tiếp sản xuất với mức thấp nhất 100.000 đồng/người; cao nhất 250.000 đồng/người.
 
Vụ ngừng việc kéo dài hơn 3 ngày tại Công ty Vĩ Thái (100% vốn Đài Loan, KCX Tân Thuận - TPHCM) cũng có nguyên nhân tương tự,  song vụ việc lẽ ra không kéo dài như thế nếu công ty có thiện chí đối thoại.
 
Sức ép lên đời sống công nhân
 
Báo cáo nhanh về tình hình tranh chấp của LĐLĐ các quận, huyện sau Tết, cho thấy CN nhập cư đang phải đối diện với áp lực tăng giá rất lớn. “Sau Tết, giá nhà trọ, điện, nước và các mặt hàng thiết yếu như gạo, gas, thực phẩm đều tăng khiến chúng tôi hết sức vất vả. Do vậy, dù có tăng ca cật lực thì cũng chẳng cải thiện thu nhập”- nhiều nữ CN Công ty TNHH Unique Việt Nam cho biết.
 
Lấy cớ giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng sau Tết, nhiều chủ nhà trọ đã cố tình “đẩy” giá cho thuê phòng khá cao khiến CN thêm vất vả. Anh Huỳnh Tấn Đăng, CN Công ty TNHH Dragon Light, cho biết với thu nhập 2 triệu đồng/tháng, dù còn độc thân nhưng anh vẫn sống hết sức trầy trật. “Sau Tết, chủ nhà trọ thông báo nâng giá thuê phòng lên thêm 150.000 đồng. Nghe nói sắp tới điện cũng sẽ tăng... Cứ nghĩ đến giá cả tăng lại thấy mỏi mệt vô cùng” - Đăng nói.
 
CN độc thân khổ một thì CN đã có gia đình khổ gấp bội. Anh Lương Thành Tín, CN một DN có vốn nước ngoài tại quận 12 – TPHCM, cho biết với tổng thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng; trừ chi phí nhà trọ, điện, nước, tiền mua sữa và gửi con nhà trẻ, dù tằn tiện lắm hai vợ chồng vẫn thiếu trước hụt sau. Thu nhập thấp, bấp bênh cùng với áp lực tăng giá khiến cuộc sống CN thêm khó khăn. Và, khi những kiến nghị về tiền lương, thu nhập không được DN quan tâm giải quyết thỏa đáng, việc tranh chấp là khó tránh.

Ông Bùi Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Khải Hoàn:

Phải đồng cảm với khó khăn của người lao động

 
Không phải lúc nào DN cũng làm ăn thuận lợi, song cần đồng cảm, chia sẻ khó khăn với người lao động (NLĐ). Sự sẻ chia ấy thể hiện bởi chính sách tiền lương rõ ràng, hợp lý, bảo đảm cho NLĐ có thể an tâm với cuộc sống của mình; an tâm làm việc, gắn bó. Hiện nay, pháp luật quy định quyền lợi của NLĐ chỉ ở mức “sàn”, mà mức ấy thì bản thân NLĐ đã khó xoay xở, huống hồ gì họ còn có gia đình, vợ con. Vì vậy, nếu yêu cầu của NLĐ cao hơn luật, DN cần lắng nghe và phối hợp với CĐ cơ sở tìm biện pháp giải quyết, sao cho thấu tình, đạt lý.
 
Bài và ảnh: VĨNH TÙNG

Nguồn tin: Người lao động