Giải bài toán thiếu điện bằng cách... tăng giá?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân các dự án thuỷ điện ì ạch, chậm hoàn thành so với tiến độ đề ra được các “nhà điện” cho là do thiếu vốn. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, chừng nào chính sách giá điện chưa được cải thiện, chưa đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư thì bài toán vốn cho ngành điện còn “vướng”.


EVN thừa nhận, sau hơn một năm rưỡi thực hiện quy hoạch điện VII, đến nay mới đưa vào vận hành được 27% công suất điện giai đoạn 2011 – 2015. Riêng trong giai đoạn chuyển tiếp 2011 – 2015, nhu cầu vốn cho đầu tư là hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng hiện mới thu xếp được 62% nhu cầu vốn (315.000 tỷ đồng).

Theo EVN, số vốn 181.000 tỷ đồng chưa thu xếp được chủ yếu là cho các công trình trọng điểm cung cấp điện cho miền Nam, như dự án Mỹ Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng, Ô Môn 3, 4. Hiện tập đoàn đang đàm phán vay vốn ADB, JICA, đồng thời kiến nghị Chính phủ thu xếp nguồn vốn trong nước.


Người tiêu dùng sẽ là đầu mối cuối cùng chịu trách nhiệm chuyện thiếu điện?

Ông Phan Ngọc Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cũng cho rằng tình trạng thiếu vốn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của các dự án. Theo ông Quang, hiện các nhà đầu tư (NĐT) không có nhiều tiềm lực về vốn, nên có những thời kỳ không được chủ động thu xếp vốn tham gia các dự án. Ngoài ra, nguồn vốn huy động cho các dự án điện thường lên tới 70, 80%, mà vốn chủ sở hữu chỉ từ 20 đến 30%, trong khi các nhà cung cấp tài chính trong nước rất khó đáp ứng nguồn vốn này. Việc thu xếp vốn từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng cần điều kiện nhất định, thời gian nhất định.

Ngoài ra, cũng theo ông Quang, trong cơ chế quản lý tài chính, tín dụng có những ràng buộc nhất định như để huy động vốn, các nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu là bao nhiêu, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên dư nợ vày phải đảm bảo dưới 3, hoặc các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay không quá 15% vốn điều lệ. Trong mục tiêu tổng quát phát triển ngành điện, đến 2020, sản lượng phải đạt từ 330 – 360 tỷ kWh, đến 2030 khoảng 700 – 800 tỷ kWh. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, giải pháp rất quan trọng giảm tình trạng thiếu điện hiện nay là yêu cầu nhà thầu, đặc biệt là tổng thầu triển khai hợp đồng EPC tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện. “Tôi cho rằng, giải pháp chính là chính sách giá. Một khi chính sách giá điện phù hợp, các nhà đầu tư đảm bảo có lãi hợp lý, đương nhiên các dự án điện của chúng ta sẽ đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư, đảm bảo được an ninh năng lượng nói chung và cung ứng điện nói riêng cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, ông Vượng khẳng định.

Theo phê duyệt và lộ trình điều chỉnh giá điện thì từ nay đến năm 2020, giá điện sẽ được điều chỉnh lên 8-9 cent/kWh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện. Việc tiến tới một khung giá điện mang tính thị trường được các nhà đầu tư đánh giá cao và xem là giải pháp thu hút đầu tư ở quy hoạch điện VII, giải quyết tận gốc bài toán thiếu điện.


Theo Đất Việt