Các tỉnh cắt giảm chi tiêu công hàng trăm tỷ đồng

Nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, TP HCM giảm chi tiêu công hơn 400 tỷ đồng, Đồng Nai tiết kiệm 60 tỷ còn tỉnh Bình Phước cắt gần 50 tỷ đồng.

Bên cạnh cắt giảm chi tiêu công, các tỉnh thành TP HCM, Bình Phước, Đồng Nai và Sóc Trăng đồng loạt dừng hẳn các dự án không cần thiết, ưu tiên vốn cho các ngành nghề chủ đạo.

Những thông tin này được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến ngày 5/4 về triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, với sự tham gia của lãnh đạo TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Sóc Trăng và đại diện nhiều bộ ngành. Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 24/2, Nghị quyết 11 đề cập đến những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. 

Là đầu tàu kinh tế phía Nam, con số cắt giảm chi tiêu công của TP HCM lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo thống kê của UBND TP HCM, thành phố thực hiện kế hoạch tiết giảm chi phí hội họp, thiết bị công tiết kiệm được 408 tỷ đồng. Mỗi năm chi cho đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, song từ năm 2011, thành phố chỉ chi vốn cho những dự án trọng điểm sẽ hoàn tất trong năm, tạm dừng 89 dự án với tổng số vốn 440 tỷ đồng.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, thành phố thực hiện kế hoạch tiết giảm chi phí hội họp, thiết bị công tiết kiệm được 408 tỷ đồng. Hà Thanh.

Trong khi đó, chỉ tính việc tiết kiệm chi thường xuyên, tỉnh Bình Phước đã giảm được 49 tỷ đồng. Tỉnh này dừng hẳn các quyết định mua sắm thiết bị công. Hội nghị, chương trình đi nước ngoài đều bị liệt vào diện hạn chế tối đa.

Thống kê của tỉnh Bình Phước, địa phương này đã rà soát và dừng 29 công trình có tổng vốn 65 tỷ đồng. Số vốn này ưu tiên chuyển cho các dự án hoàn thành trong 2011. Địa phương này còn quyết định tăng nguồn thu ngân sách thêm 170 tỷ đồng, lập bộ phận tập trung thu nợ tồn đọng, kỳ vọng thu về 180 tỷ đồng trong những tháng còn lại trong năm.

Tỉnh Đồng Nai tiết giảm chi tiêu công 10%, tương đương 60 tỷ đồng, tăng thu ngân sách từ 10-12%. Sau khi rà soát các công trình cơ bản có vốn đầu tư từ ngân sách, đã cắt giảm 125,5 tỷ đồng.

Còn tỉnh Sóc Trăng đã lên kế hoạch dừng 7 dự án có tổng số vốn 39 tỷ đồng, hoãn 6 dự án với số vốn 22 tỷ đồng để nhường vốn cho những công trình trọng điểm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Lê Đình Trí cho hay, tỉnh đã cân nhắc ưu tiên vốn và đẩy mạnh hai ngành chủ lực của địa phương là lúa và tôm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Đinh Quốc Thái cho hay, sau khi rà soát các công trình cơ bản có vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh đã cắt giảm 125,5 tỷ đồng. Ảnh: Hà Thanh.

Tập trung phát triển thế mạnh riêng, tỉnh Bình Phước ưu tiên vốn cho các dự án sản xuất nông sản, cây điều và cây cao su. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Bùi Văn Thạch cho biết: "Trong tháng 3, các ngân hàng đã linh động hơn trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua nông sản. Tổng dư nợ 65,58%, tăng gần 10% trong một tháng so với tổng dư nợ của toàn tỉnh".

Cho rằng những tháng còn lại của năm 2011 còn rất nhiều thử thách, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng phân tích, năm 2011 thành phố được giao chỉ tiêu thu ngân sách 177.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là trong thời điểm khó khăn như hiện nay, cứ mỗi ngày thành phố phải tạo ra 900 tỷ đồng. "Vì vậy, nếu không đảm bảo được nguồn vốn cho sản xuất sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ", bà nói. 

Phó chủ tịch UBND TP HCM cho hay, thành phố đã đề xuất Bộ Tài chính về việc cân nhắc giãn thuế, xem xét nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Bà Hồng đề xuất Chính phủ cần sớm có các thông tư hướng dẫn để các bộ ngành căn cứ thực hiện các giải pháp trong NQ 11.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Bùi Văn Thạch kiến nghị: "Chính phủ cần quan tâm và có chính sách tập trung phát triển đầu tư khu vực nông thôn, phát triển lĩnh vực nông nghiệp thì việc triển khai Nghị quyết 11 sẽ có hiệu quả tốt hơn. Bởi lẽ, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều lấy nghề nông làm chủ đạo".

Nguồn tin: VN Express