Ngành học nào sẽ dễ xin việc?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự báo đến năm 2015, có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm. Thí sinh cần tham khảo dự báo này để lựa chọn ngành dự thi phù hợp

 

Lựa chọn ngành học nào để dễ có việc làm sau khi tốt nghiệp không phải là điều dễ dàng đối với các thí sinh. Theo báo cáo xu hướng việc làm Việt Nam năm 2010 mà Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố, nhiều ngành “hot” hiện nay sẽ trở nên bão hòa vào năm 2015, khi các thí sinh trúng tuyển năm nay tốt nghiệp.

Năm 2011, Trường ĐH FPT sẽ mở thêm 4 ngành học mới. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH FPT thực tập tại Công ty Phần mềm FSoFT
 
Hoạt động đoàn thể thu hút nhiều lao động
 
Theo báo cáo, nhiều ngành hiện có tỉ lệ việc làm rất cao nhưng lại có xu hướng giảm vào năm 2015. Đó là các ngành: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Ngành có tỉ lệ giảm cao nhất là khai khoáng (từ 10,6% năm 2010 sẽ xuống còn 9,6% năm 2015).
 
Bên cạnh đó, đến năm 2015 có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm, gồm: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hành chính và dịch vụ hỗ trợ.
 
Dựa vào những thông tin dự báo này, các thí sinh sẽ có những lựa chọn cẩn trọng trước khi khai vào bản hồ sơ đăng ký dự thi sẽ được nộp trong tháng 3 tới.
 
Mở ngành học đón đầu xu hướng
 
Trước xu hướng việc làm nói trên, năm nay nhiều trường ĐH đã nhanh chóng mở ngành học mới có nhu cầu cao trong tương lai.
 
Ngày 16-2, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho biết trường sẽ mở mới 4 chuyên ngành về công nghệ thông tin (gồm: hệ thống thông tin, điện tử và truyền thông, kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính) và kế toán ứng dụng công nghệ thông tin (một chuyên ngành thuộc khối ngành quản trị kinh doanh - tài chính ứng dụng công nghệ thông tin). Việc mở thêm nhiều chuyên ngành mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Tùng cho biết nhằm bảo đảm định hướng phát triển của trường trong việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin  chất lượng cao.
 
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường ĐH công lập quốc tế theo mô hình tiên tiến, đào tạo và cấp bằng theo chuẩn quốc tế LMD (hệ cử nhân 3 năm) cũng vừa thông báo sẽ tuyển 120 sinh viên hệ cử nhân khoa học và công nghệ cùng 100 học viên hệ thạc sĩ chính quy các chuyên ngành công nghệ sinh học - dược học; khoa học vật liệu- công nghệ nano; nước - môi trường- đại dương học và khoa học công nghệ thông tin và truyền thông.
 
Cũng trong xu hướng mở ngành mới, Trường CĐ Công nghiệp Quảng Ninh cho biết sẽ mở thêm 5 ngành học mới, gồm: công nghệ kỹ thuật cơ điện, công nghệ kỹ thuật điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, quản trị kinh doanh và kỹ thuật trắc địa bản đồ. Trường ĐH Hà Tĩnh cũng mở thêm 3 ngành là tài chính ngân hàng, marketing, Việt Nam học.

Nếu như năm 2008, chiếm nhiều lao động nhất là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (với gần 23 triệu lao động) thì vào năm 2020, lao động của nhóm ngành này sẽ giảm còn 21,1 triệu.

 
Bài và ảnh: Yến Anh

Nguồn tin: Người lao động