'Cấm nhậu vỉa hè thì mua bia về nhà uống'

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều người Sài Gòn không tin quy định cấm kinh doanh bia vỉa hè trong dự thảo mới của Bộ Công thương về nghị định quản lý kinh doanh bia sẽ 'đi vào cuộc sống".
Quán nhậu vỉa hè trên đường Trường Sa (Q. Phú Nhuận, TP.HCM)

Quán nhậu vỉa hè trên đường Trường Sa (Q. Phú Nhuận, TP.HCM)

Vì việc uống bia vỉa hè từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc ở thành phố. Không mấy người tin tưởng quy định này sẽ có hiệu lực trong thực tế.
Thu nhập 60 triệu đồng/tháng cũng từ quán vỉa hè
“Cấm nhậu vỉa hè thì rất nhiều người không biết nhậu ở đâu. Hơn một nửa người dân thành phố ăn nhậu vỉa hè”- ông Trung, một chủ quán nhậu ở khu vực Miếu Nổi (Q.Phú Nhuận) nói.
Một loạt các quán nhậu vỉa hè đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động nhập cư.
Nhậu vỉa hè có ở bất kỳ thành phố nào, riêng TP.HCM có lẽ là nơi xôm tụ nhất. Một quán nhỏ như "sống mũi" nhưng chỉ cần có vỉa hè dài và rộng là đủ hút khách. Một khoảng vỉa hè, căng bạt là thành quán nhậu.Quán nhậu la liệt khắp vỉa hè Sài thành, càng vào trung tâm thì càng xôm tụ. 
Một loạt con đường ken đặc quán nhậu vỉa hè ở khu vực Miếu Nổi (Q. Phú Nhuận), dọc hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa trải dài trên địa bàn Bình Thạnh, Q.3 và đường Nguyễn Thái Học (Q.1), khu chợ Nhật Tảo (Q.10), dọc bờ kè Võ Văn Kiệt (Q.5)... ra đến ngoại thành có các “phố nướng”, “phố lẩu” bình dân la liệt dọc các đường phố.

“Quán vỉa hè hút khách vì hợp túi tiền của người thu nhập không cao. Số lượng người nhậu vỉa hè đông hơn người nhậu trong quán”-ông Trung phân tích. Quán vỉa hè không bao giờ vắng. Thậm chí, kinh tế càng suy thoái, quán vỉa hè càng đông khách.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, chủ nhân một quán nhậu trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 1). Vị trí đắc địa nên từ 7 giờ tối đến rạng sáng lúc nào cũng đông nghịt khách, đủ mọi thành phần từ giàu có đến nghèo khổ, từ dân lao động đến giới trí thức sang trọng. Bà chủ gần 60 tuổi cho biết trừ chi phí, thu nhập ròng hằng tháng là 60 triệu đồng. 
Đội ngũ nhân viên của quán gồm một đầu bếp và hai nhân viên chạy bàn lúc nào cũng tất tả. Bà cho biết đầu bếp lương bốn triệu đồng/ tháng, chạy bàn thì ba triệu. 
“Bán đây lâu rồi, nếu cấm không biết đi đâu. Mấy đứa nhỏ cũng mất công ăn việc làm, sống sao?”-bà than thở.
Không chỉ quán bà Nghĩa, một loạt các quán nhậu vỉa hè đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động nhập cư.

'Sinh hoạt văn hóa' của người dân

“Đâu phải bây giờ mới cấm. Thực chất bán quán nhậu vỉa hè là trái luật. Lúc nào cũng bị kiểm tra, xử phạt”-ông N., một chủ quán nhậu trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5) cho biết. Kinh doanh quán nhậu vỉa hè không cần nhiều vốn, chỉ cần kỹ năng. Để có được một tấc vỉa hè, phải “quan hệ” đủ thứ ông không tiện chia sẻ. 
Không chỉ có ăn nhậu, rất nhiều gia đình chọn quán vỉa hè làm nơi ăn uống, trò chuyện thư giãn vì không gian thoáng đãng. 
Ông cho biết, đã thành quy tắc quán nhậu vỉa hè thì thường bếp và các nguyên vật liệu phải xếp ngay trên xe đẩy để dễ chạy mỗi khi bị công an truy quét, bàn ghế thì chỉ dùng đồ cũ kỹ để có vứt đi cũng không tiếc. 
“Kinh doanh cái này phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Nói cấm là cấm vậy nhưng mình bán cứ bán” - ông nói.
Một lãnh đạo công an nói với phóng viên Một Thế Giới, dự thảo cấm bán bia vỉa hè, ngay cả với người trong ngành cũng không biết tính khả thi tới đâu, chế tài như thế nào, cơ quan nào chuyên trách việc kiểm tra, xử lý? 
“Trước giờ ngành công an và trật tự đô thị có kiểm tra xử phạt hành chính nhưng cũng khó”-vị này nói. Ông đơn cử như nhiều trường hợp các quán nhậu trên đường Cống Quỳnh (Q.1), một bên là phường Phạm Ngũ Lão, một bên là phường Nguyễn Cư Trinh. Cứ có công an phường nào đi quét, cả chủ quán lẫn khách nhậu lại xách ghế, dẹp quán sang bên kia đường nhậu tiếp. Cứ thế thành một cái văn hóa “nhậu chạy”. Công an phường này không thể xử phạt trên địa bàn phường kia. 
Để tổ chức một cuộc kiểm tra xử phạt liên phường hoặc của quận rất nhiêu khê. Việc xử phạt hành vi lấn chiếm lòng lề đường đã như bắt cóc bỏ dĩa, rất khó có cơ chế cấm bán bia vỉa hè đại trà.
Ăn uống vỉa hè là một sinh hoạt văn hóa của người dân. Chỉ nên có biện pháp hướng hoạt động kinh doanh này vào quy củ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn thực phẩm. 
“Dự thảo cấm bán bia vỉa hè mục tiêu phòng chống tác hại của bia rượu là rất chung chung và không thuyết phục” - anh Trần Quang Thắng, một công chức ngành luật tại TP.HCM phân tích. Dù xuất phát từ mục tiêu tốt nhưng trước khi có quy định cần phân tích các yếu tố xã hội, tâm lý có liên quan. 
“Bản thân tôi cũng là một người hay uống bia ở vỉa hè. Đó là một nhu cầu sinh hoạt của đại bộ phận người dân thành phố”-anh nói. Không chỉ có ăn nhậu, rất nhiều gia đình chọn quán vỉa hè làm nơi ăn uống, trò chuyện thư giãn vì không gian thoáng đãng. 
Hoạt động kinh doanh quán nhậu vỉa hè thực chất cũng như quán xá thông thường. Nếu có tác hại thì đó là vấn đề về an ninh trật tự và an toàn thực phẩm. Không thể nói là phòng chống tác hại bia rượu chung chung. Vì nếu không nhậu vỉa hè, người dân có thể mua bia rượu về nhà uống, vẫn gây tác hại như thường.

Kiến Giang

 

 


Nguồn tin: Sưu tầm