Chỉ số chứng khoán bị “bóp méo”: Lợi và hại

Bên cạnh hai chỉ số chính, sẽ có nhiều chỉ số khác phản ánh biến động các rổ cổ phiếu hẹp hơn

Bên cạnh hai chỉ số chính, sẽ có nhiều chỉ số khác phản ánh biến động các rổ cổ phiếu hẹp hơn

Hiện tượng VN-Index có biên độ dao động hẹp suốt hai tháng qua gây không ít “bức xúc” cho giới đầu tư, thậm chí còn có những quan điểm cho rằng phải thay đổi cách tính chỉ số.
 
 
Cách tính hai chỉ số VN-Index và HNX-Index hiện tại theo giá trị vốn hóa. Sự biến động tăng/giảm của tổng giá trị vốn hóa của rổ cổ phiếu tại thời điểm tính so với thời điểm gốc sẽ phản ánh biến động của chỉ số. Giá trị vốn hóa lại được tính bằng khối lượng đăng ký giao dịch nhân với giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường.
 
Hiện tại VN-Index và HNX-Index được coi là hai chỉ số đại diện cho xu hướng của hai sàn chứng khóan. Tuy nhiên do đặc thù phương pháp tính theo giá trị vốn hóa nên ảnh hưởng của các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn tới Index sẽ mạnh hơn các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Diễn biến của VN-Index nhiều phiên gần đây có thể thấy rõ điều này: Một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá có thể làm giảm mức giảm đáng lẽ phải mạnh hơn của chỉ số.
 
Riêng với HNX-Index, do cách tính chỉ số và giá tham chiếu khác một chút VN-Index nên nếu thuần túy quan sát mức tăng giảm của giá sẽ có sự khác biệt với tăng giảm của Index. Giá tham chiếu của cổ phiếu niêm yết tại HNX dựa trên giá bình quân các giao dịch trong phiên, trong khi Index được tính căn cứ vào giá đóng cửa. HNX-Index biến động phụ thuộc vào mức biến động giá đóng cửa của các cổ phiếu trong phiên này so với giá đóng cửa của phiên trước. Do đó có thể một phiên nhiều cổ phiếu tăng giá so với tham chiếu (thực chất là so với giá bình quân phiên trước) nhưng HNX-Index có thể không tăng mức độ tương ứng. 
 
Việc tính chỉ số theo cách nào cũng có những hạn chế riêng. Việc tính chỉ số dựa theo giá trị vốn hóa hiện cũng gây nhiễu. Ngay cả chỉ số Dow Jones công nghiệp (DJIA) nổi tiếng cũng chỉ tính dựa trên một rổ 30 cổ phiếu đại diện chứ không phải toàn bộ số cổ phiếu niêm yết và dựa trên bình quân gia quyền giá. DJIA tăng điểm chỉ là phản ánh xu hướng tăng điểm của rổ cổ phiếu đó chứ không hẳn của toàn bộ thị trường. Các nhà phân tích kỹ thuật từ đó mới xây dựng các chỉ số để đo “độ sâu” thực của toàn thị trường dựa trên số lượng cổ phiếu tăng và giảm tổng thể. Rất nhiều trường hợp số cổ phiếu giảm nhiều hơn số cổ phiếu tăng nhưng chỉ số vẫn tăng.
 
Việc VN-Index được “kéo lên” hay “đè xuống” dưới tác động của một số cổ phiếu vốn hóa lớn là điều bình thường trên phương diện kỹ thuật. Không thể căn cứ vào đó để quy chụp rằng các tổ chức đang “vẽ” đồ thị cho chỉ số dù nhiều lúc diễn biến chỉ số không phản ánh đúng thực chất xu hướng giá của toàn thị trường.
 
Thanh khoản là một yếu tố có thể tác động đến chỉ số. Rất nhiều trường hợp cung cầu chỉ chênh lệch một vài lô giao dịch là có thể thay đổi giá trị vốn hóa của toàn bộ bộ cổ phiếu đó và ảnh hưởng lên Index. Đây cũng là một nguyên nhân khiến HNX phải tính giá tham chiếu trên cơ sở giá bình quân, thay vì giá đóng cửa.  
 
Việc nhóm cổ phiếu lớn chi phối Index có thể nhìn nhận dưới góc độ tích cực là phản ánh quan điểm đầu tư của tổ chức. Với mức vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu lưu hành nhiều, đa số tổ chức chỉ quan tâm tới blue-chip thay vì các cổ phiếu nhỏ dễ bị làm giá và biến động quá mạnh. Sự ổn định của nhóm blue-chip vừa qua cho thấy độ ổn định cao hơn mặt bằng chung. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị xem là “bầy đàn” với xu hướng đầu tư theo phong trào, ảnh hưởng lớn của tâm lý từ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Việc khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức tham gia để nâng tính bình ổn là điều nên làm.
 
Dĩ nhiên nếu chỉ nhìn vào chỉ số trong mấy tháng vừa qua thì bức tranh thị trường cũng không đến nỗi xấu. Tuy nhiên, thực tế mức độ giảm của các cổ phiếu riêng lẻ, đặc biệt là các cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu bị làm giá lại rất mạnh. Biến động giá này xuất phát từ tương quan cung cầu cá biệt của từng mã hơn là ảnh hưởng của thị trường chung. Mỗi cổ phiếu có điểm kháng cự, hỗ trợ của riêng nó và nhiều lúc không tương ứng với Index. 
 
Việc hiểu bản chất của biến động chỉ số có thể giúp nhà đầu tư tìm kiếm được các cổ phiếu tốt có mức giảm “quá đáng”. Không ai đi mua VN-Index hay HNX-Index nhưng lại mua từng cổ phiếu cụ thể. Do đó trong nhiều trường hợp vẫn có những mã đi ngược dòng.
 
Tuy nhiên, cách tính Index ở Việt Nam có một số điểm “bất cập” có thể ảnh hưởng lớn nếu tới đây triển khai các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai với VN-Index hay HNX-Index. Chẳng hạn hiện tại không ít doanh nghiệp đăng ký niêm yết toàn bộ khối lượng cổ phiếu nhưng thực chất khối lượng có thể giao dịch lại rất ít. Sàn HNX đã có tiền lệ loại bỏ phần lớn khối lượng của SQC ra khỏi rổ tính Index. Khối lượng lưu hành tự do có thể giao dịch mới phản ánh đúng cung cầu và Index lúc đó mới phản ánh chính xác biến động giá.
 
Một giải pháp khác “tiện” hơn là có thể xây dựng các chỉ số khác bên cạnh VN-Index và HNX-Index. Việc lựa chọn rổ cổ phiếu tốt hơn (vốn hóa không chênh lệch quá mức, theo khối lượng có thể chuyển đổi...) sẽ giúp Index biến động “chuẩn” hơn và khi đó sẽ rất ít nhà đầu tư quan ngại đến sự “méo mó” của VN-Index hay HNX-Index nữa.
 
http://vneconomy.vn/20101110104158134P0C7/chi-so-chung-khoan-bi-bop-meo-loi-va-hai.htm
 

Nguồn tin: VN Economy