21:19 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Kế toán - Tài chính - Accountant - Financial » Tài chính - Ngân hàng

Thanh khoản ngân hàng: Dè chừng các khoảng trống…

Thứ tư - 06/04/2011 13:04
Giả sử Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, người trong cuộc cho rằng các ngân hàng vẫn có thể sử dụng một số “chiêu thức” để giảm thiểu ảnh hưởng.

Giả sử Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, người trong cuộc cho rằng các ngân hàng vẫn có thể sử dụng một số “chiêu thức” để giảm thiểu ảnh hưởng.

Có những khoảng trống được tạo ra, gây rủi ro quản trị thanh khoản. Theo đó, việc ngân hàng tìm mọi cách để lấp đầy là dễ hiểu Có những khoảng trống được tạo ra, gây rủi ro tới quản trị thanh khoản. Theo đó, việc ngân hàng tìm mọi cách để lấp đầy là dễ hiểu…

MINH ĐỨC
14:22 (GMT+7) - Thứ Ba, 5/4/2011


Bên lề một buổi lễ, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần chiêm nghiệm: Từ năm 2007, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh với loạt thành viên chuyển đổi. Trong đó, có những trường hợp cổ đông lớn là những người ngoại đạo.

“Họ kinh doanh ngành khác, hay trước đây gọi là thương nghiệp. Đến khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, quan điểm ban đầu là đẩy mạnh cho vay vì các sản phẩm - dịch vụ mới chưa hoàn thiện và thấy lợi nhuận ngay. Nhưng khi tín dụng phát triển quá tay, nhất là dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, rồi “dính” nợ xấu, thanh khoản trở thành mối nguy và là kinh nghiệm xương máu”, vị tổng giám đốc này kể lại.

Cũng theo ông, qua năm 2008 và 2009, không bất ngờ khi quản trị thanh khoản được đặt lên hàng đầu ở các ngân hàng, thậm chí có những trường hợp làm mọi cách để chống đỡ khi khó khăn.

Mất thanh khoản, giá phải trả sẽ rất đắt

Tại một doanh nghiệp lớn, ban lãnh đạo đang ở một tình thế nhạy cảm liên quan đến khoản tiền gửi tại ngân hàng. Nếu giải thích một cách công khai, doanh nghiệp ngại về quy định pháp lý, hoặc có thể bị ảnh hưởng nào đó ngoài mong muốn. Nhưng nếu không giải thích ra lại dễ bị cổ đông hoặc nhân viên nghi ngờ…
 
“Khoản thu từ số tiền gửi này ban lãnh đạo công ty, hay cá nhân thực hiện giao dịch gửi tiền không có trục lợi, không bỏ túi phần chênh lệch nào, nó là rõ ràng nhưng vẫn có sự dị nghi”, chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp này trần tình.

Sự dị nghi đó tập trung ở mức lãi suất “đồn đoán” là 17%/năm hồi đầu năm, mới đây được nâng lên 18%/năm do ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng thị trường (?).

Những ngày qua, lại có thông tin phản ánh hiện tượng một số ngân hàng chào lãi suất lên tới 17%, 17,5%/năm tới doanh nghiệp gửi tiền. Hay trên thị trường liên ngân hàng, thông tin lãi suất qua đêm mức cao được phản ánh lên tới 18%, thậm chí 20%; trong quá khứ, đỉnh điểm có những mức chào tới 30%...

Những trường hợp đó, ngân hàng buộc phải đánh đổi chi phí, kể cả rủi ro pháp lý với quy định trần lãi suất, để đảm bảo cân đối vốn, giữ thanh khoản. Bởi nếu vỡ thanh khoản, cái giá phải trả sẽ đắt hơn rất nhiều, kể cả từ sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (nếu có) tới các hoạt động kinh doanh.

Mối lo các khoảng trống

Ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng các lãi suất chủ chốt. Lần thứ hai trong tháng, thông điệp thắt chặt tiền tệ nhằm góp phần kiềm chế lạm phát được phát đi mạnh mẽ. Lần này, công cụ được sử dụng vẫn là lãi suất, không phải là dự trữ bắt buộc.

Thế nhưng, giả sử Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, người trong cuộc cho rằng các ngân hàng vẫn có thể sử dụng một số “chiêu thức” để giảm thiểu ảnh hưởng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chuyên phụ trách quản trị rủi ro cho biết, trong hoạt động ngân hàng, có nhiều rủi ro phải đối mặt, đặc biệt là các khoảng trống (gap) kỳ hạn và lãi suất.

Đặt trong vấn đề trên, cũng như thực tế thời gian qua, để giảm thiểu ảnh hưởng của quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với chi phí vốn, ngân hàng có thể tính đến việc lách kỳ hạn các khoản tiền gửi.

Theo quy định, với tiền gửi VND dưới 12 tháng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3%; nhưng từ 12 tháng trở lên chỉ là 1%. Để tránh mức 3%, ngân hàng có thể đàm phán với doanh nghiệp những khoản tiền gửi lớn trú ở kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng ngầm định doanh nghiệp có thể rút vốn trước hạn mà vẫn bảo toàn lãi suất. Ở trường hợp này, ngân hàng đánh đổi lợi ích chi phí với khả năng rủi ro.

“Việc quản trị thanh khoản tập trung ở dữ liệu sổ sách, cơ cấu các kỳ hạn. Nhưng với thỏa thuận trên, khi nguồn tiền gửi rút ra trước hạn sẽ để lại những khoảng trống, rủi ro có từ những khoảng trống này”, vị phó tổng ngân hàng nói trên phân tích.

Đi cùng với những khoảng trống đó là sự thụ động trong quản trị. Hay nói một cách hình ảnh, ngân hàng xây tường bao thanh khoản nhưng lại tiềm ẩn những khoảng trống có thể xẩy ra bất cứ lúc nào ở móng.

Trước nguy cơ trên, ngày 10/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-NHNN quy định áp lãi suất thấp nhất (không kỳ hạn) đối với các khoản tiền gửi rút trước hạn. Quy định này sẽ hạn chế phần nào nguồn gốc tạo những khoảng trống đó.

Tăng cường quản trị

Trở lại với câu chuyện của vị tổng giám đốc chiêm nghiệm ở thời điểm 2008 - 2009, một khoảng trống khác từng để lại những bài học đắt giá ở việc phát triển tín dụng quá tay tại một số thành viên là lạm dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, cộng thêm nợ xấu dẫn đến rủi ro kỳ hạn và “lệch” vòng quay vốn; thanh khoản theo đó rơi vào trạng thái căng thẳng. “Có lẽ thời điểm này, với họ, thanh khoản sẽ quan trọng hơn nhiều so với mục tiêu lợi nhuận”, vị tổng giám đốc này nhận định.

Đương nhiên, hơn ai hết, những người trong cuộc nắm rõ các rủi ro thanh khoản tiềm ẩn để có thể phòng ngừa. Quan điểm chung vẫn là tăng cường năng lực quản trị.

Kinh nghiệm mà ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), chia sẻ là một chiến lược phát triển tín dụng hợp lý. Chính sách tín dụng của MB trong những năm gần đây là đẩy mạnh cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động đối với doanh nghiệp, do đó tỷ lệ nguồn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chỉ là 17,62%, thấp hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước (30%).

Trong khi đó, tại Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), đầu năm 2011, ban quản lý nguồn vốn đã đề ra 4 nhóm giải pháp nhằm ổn định nguồn vốn và đảm bảo thanh khoản hệ thống, trong đó nổi bật là yêu cầu ăn khớp giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng huy động vốn; huy động vốn đóng vai trò nền tảng.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank), tăng cường công tác quản trị cũng là một điểm được nhấn mạnh trong định hướng hoạt động năm nay. Một lãnh đạo của ngân hàng này cho biết, ngoài một số giải pháp tổ chức huy động vốn hiệu quả, kiểm soát chặt tín dụng và nợ xấu, việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu phản ánh một cách sát thực trạng thái huy động và cho vay là yêu cầu cốt yếu cho công tác quản trị rủi ro.

“Thanh khoản hiện vẫn là nỗi lo cho nhiều ngân hàng, tuy nhiên với MB, các chỉ tiêu khả năng thanh khoản luôn được duy trì ở mức an toàn. Tỷ lệ khả năng chi trả luôn cao hơn nhiều so với mức một lần mà Ngân hàng Nhà nước cho phép. Dĩ nhiên, đi cùng với việc đảm bảo tỷ lệ này là các yêu cầu cân đối huy động vốn, cơ cấu kỳ hạn và quản lý nợ xấu.

Trên thị trường, có thể có những trường hợp vì lợi nhuận mà đánh đổi, còn quan điểm của chúng tôi là không chấp nhận bất cứ một sự đánh đổi nào, nếu nó tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là với vấn đề thanh khoản”, ông Lê Công nói.

Nguồn tin: VN Economy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25


Hôm nayHôm nay : 15890

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 374173

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29791871

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên