Cơ quan thuế sẽ hỗ trợ chuyển đổi sang HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền theo lộ trình, áp dụng từ 1/7/2022.
PV: Thưa bà, chính sách HĐĐT đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (Luật Quản lý thuế 38) và các văn bản hướng dẫn sẽ được thực hiện như thế nào?
|
Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Luật Quản lý thuế 38 và các văn bản hướng dẫn đã quy định nhiều nội dung mới trong công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, nhằm đảm bảo yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tuc hành ̣ chính, hiện đại hóa.
Theo đó, căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế 38, thì hộ, cá nhân kinh doanh quy mô lớn, hoặc hộ, cá nhân kinh doanh và các trường hợp xác định được doanh thu khi bán hàng hoá, dịch vụ sẽ sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế.
Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán và không nộp thuế theo phương pháp kê khai, nhưng cần có hoá đơn để giao cho khách hàng, thì theo Khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế 38, sẽ được cơ quan thuế cấp HĐĐT có mã theo từng lần phát sinh và phải kê khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp HĐĐT.
Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh như trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, tân dược, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác… được lựa chọn sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế (Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 78/2021/TT-BTC).
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố từ trung tuần tháng 11/2021. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng HĐĐT đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo từng nhóm đối tượng đặc thù sẽ được triển khai theo lộ trình. Bà có thể cho biết cụ thể về quá trình này?
Mặc dù việc triển khai HĐĐT sẽ được thực hiện từ trung tuần tháng 11/2021 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ. Tuy nhiên, phương pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ triển khai từ 1/1/2022 (vì Thông tư số 88/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ, cá nhân kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1/1/2022). Do đó, việc triển khai HĐĐT đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ được thực hiện từ 1/1/2022.
Để triển khai HĐĐT, các cục thuế trong giai đoạn 1 căn cứ danh sách hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ thông báo đến từng hộ. Trong đó, có nội dung hộ kinh doanh chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế, gửi HĐĐT cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng HĐĐT.
Trong trường hợp hộ kinh doanh chưa đáp ứng ngay điều kiện để chuyển sang sử dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, thì phản hồi với cơ quan thuế về việc tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các quy định trước đây (Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn). Đồng thời, gửi tờ khai dữ liệu hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra Mẫu số 03/DL-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP kể từ kỳ khai thuế GTGT tiếp theo thời điểm nhận thông báo của cơ quan thuế cho đến hết ngày 30/6/2022.
Vậy đối với hộ khoán và một số trường hợp cần HĐĐT theo từng lần phát sinh thì phải lưu ý gì, thưa bà?
HĐĐT cấp theo từng lần phát sinh được triển khai áp dụng tại 6 tỉnh, thành phố từ trung tuần tháng 11/2021. Đối với hộ khoán, cơ quan thuế cung cấp thông tin về áp dụng HĐĐT kèm theo tờ khai thuế của năm 2022 đến từng hộ kinh doanh từ ngày 20/11/2021 đến 5/12/2021 theo hướng dẫn tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC.
Nếu hộ khoán có nhu cầu sử dụng HĐĐT thường xuyên, thì cơ quan thuế hướng dẫn chuyển đổi sang hình thức nộp thuế theo phương pháp kê khai và đăng ký sử dụng HĐĐT theo quy định. Trường hợp hộ khoán chỉ sử dụng HĐĐT theo từng lần phát sinh, thì cơ quan thuế hướng dẫn nộp tờ khai thuế khoán cho năm 2022 theo quy định và khi phát sinh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cần hóa đơn giao cho khách hàng, thì thực hiện thủ tục đề nghị cấp HĐĐT theo từng lần phát sinh.
Ngoài ra, còn một số trường hợp khác sử dụng HĐĐT theo từng lần phát sinh, gồm cá nhân kinh doanh không thường xuyên nộp thuế theo từng lần phát sinh; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai ngừng, tạm ngưng hoạt động kinh doanh, hoặc bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Những trường hợp này, khi phát sinh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cần hóa đơn giao cho khách hàng, thì thực hiện thủ tục đề nghị cấp HĐĐT theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để đáp ứng việc cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh từ trung tuần tháng 11/2021 theo đúng quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các cục thuế cần triển khai kịp thời việc vận hành hệ thống HĐĐT theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
Việc áp dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là một quy định nhận được nhiều sự quan tâm của DN cũng như cơ quan thuế. Quy trình này đang được triển khai như thế nào, thưa bà?
Hiện các cục thuế triển khai giai đoạn 1 đang rà soát, phân tích đối tượng, địa bàn chủ trì để thống nhất với UBND quận/huyện, báo cáo với UBND tỉnh, thành phố về chủ trương cũng như phân công chỉ đạo các sở, ban ngành địa phương phối hợp với cơ quan thuế xây dựng đề án triển khai kết nối thông tin từ máy tính tiền để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ, cá nhân kinh doanh.
Việc xây dựng đề án sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2021. Trên cơ sở đó, các cục thuế sẽ báo cáo Tổng cục Thuế để trình Bộ Tài chính thống nhất với UBND tỉnh, thành phố về phạm vi, quy mô, thí điểm triển khai trước 15/12/2021 để sẵn sàng thực hiện từ 1/1/2022. Trong thời gian chưa triển khai đề án, cơ quan thuế hướng dẫn hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký và sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định. Cơ quan thuế sẽ hỗ trợ chuyển đổi sang HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền theo lộ trình, áp dụng từ 1/7/2022.
Xin cảm ơn bà!