Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Mặt khác, khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.
Như vậy, đối chiếu các quy định trên với trường hợp của anh A và chị B, do 02 người không tiến hành đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nên quan hệ vợ chồng giữa hai người không có giá trị pháp lý mặc dù cả hai đã làm đám cưới và chung sống với nhau như vợ chồng. Lúc này, hậu quả sẽ được giải quyết theo quy định đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.
Khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, anh A và chị B có thể lựa chọn các hướng giải quyết như sau:
Thứ nhất, nếu anh A và chị B có mong muốn xác lập quan hệ vợ chồng với nhau, 2 người có thể tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch ngay sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Khi đó, quan hệ hôn nhân giữa hai người sẽ được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Thứ hai, nếu anh A và chị B không mong muốn xác lập quan hệ vợ chồng với nhau thì anh A hoặc chị B có thể yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi đó, Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết và tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa anh A và chị B. Nếu anh A hoặc chị B có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì Tòa án sẽ giải quyết theo hướng:
- Quyền, nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của anh A, chị B được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chị B và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập (Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trả lời bởi: ;#Đặng Thị Lưu - Cục QLXLVPHC&TDTHPL;#
http://vbpl.vn/Pages/chitiethoidap.aspx?ItemID=81585
Tác giả bài viết: Đỗ Trọng Hiền - Sưu tầm
Nguồn tin: vbpl.vn
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 31
Hôm nay : 7246
Tháng hiện tại : 159467
Tổng lượt truy cập : 31602852
Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...