08:28 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội » Pháp luật

Văn bản sai thì phải sửa ngay

Thứ năm - 10/01/2013 09:03
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần đánh giá kỹ tác động của từng văn bản, xem lợi gì cho nước, cho dân.
 

 

Đó là những lưu ý quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ngành tư pháp ngày 9-1. Trong khi việc triển khai công tác năm mới của các bộ, ngành được yêu cầu làm trực tuyến để tiết kiệm thì Bộ Tư pháp nằm trong số ít (ba ngành) được Thủ tướng đồng ý cho mở hội nghị toàn quốc tập trung. Đây cũng là lần đầu tiên họp về công tác tư pháp mà đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo UBND các tỉnh/thành - những người chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác tư pháp - pháp chế ở đơn vị, địa phương mình. Những điều đó phản ánh sự quan tâm của Chính phủ (CP), đúng như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Nhiệm vụ trọng tâm của CP năm 2013 là hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, trong đó vai trò của ngành tư pháp là rất quan trọng”.

Tư pháp len lỏi mọi ngõ ngách

Điểm qua đầu mục công tác, nhiệm vụ của ngành tư pháp thì đúng là phủ khắp các mặt hoạt động của bộ máy nhà nước. Tính cả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) vừa nhận bàn giao từ Văn phòng CP sang thì đến nay, Bộ Tư pháp đang quản lý, theo dõi những nhóm lĩnh vực khá lớn. Đó là xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và kiểm soát TTHC. Nhóm nhiệm vụ này gắn trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, ở cả trung ương và địa phương. Bộ Tư pháp ở trung ương, vụ pháp chế các bộ ngành, sở/phòng tư pháp đặt từ huyện lên tỉnh thông qua công tác này đang là “người gác cổng” trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật. Nay có thêm chức năng kiểm soát TTHC giúp cho thể chế gần dân, thuận tiện cho người dân hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo dõi thi hành pháp luật là nhiệm vụ tương đối mới. Năm 2012, khi CP ban hành Nghị định 59 thì lần đầu tiên đã định hình khá rõ nội dung nhiệm vụ của ngành tư pháp trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật, ở ba nhóm vấn đề: ban hành VBQPPL, bảo đảm các điều kiện thi hành và tình hình tuân thủ. Gắn hoạt động này với công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL mà ngành tư pháp đã đảm đương mấy năm qua và kết hợp cả công tác quản lý tập trung về xử lý vi phạm hành chính trong thời gian tới sẽ giúp cho CP, từng bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các tỉnh, thành nắm rõ hơn các vấn đề chung về xây dựng cũng như thi hành pháp luật trên lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.

Ngoài ra, ngành tư pháp còn thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp (bao gồm hoạt động của giới luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp...). Bên cạnh đó, còn nhiều mảng hoạt động khác liên quan trực tiếp tới người dân như hành chính - tư pháp (bắt đầu bằng khai sinh, cuối cùng là khai tử, chưa kể bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm)...

Không được khoán trắng

Tất cả nhiệm vụ ấy, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là đều nhằm hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thủ tướng nói: “Kiểm điểm về trách nhiệm của mình, của CP thì tôi thấy yếu nhất vẫn là quản lý nhà nước. Mà quản lý nhà nước thì yếu nhất là xây dựng thể chế. Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp cũng như công tác tư pháp tại các bộ, ngành, địa phương tới đây là phải ưu tiên cho năng lực phản ứng về chính sách. Hoàn thiện hệ thống pháp luật có tính ổn định, dự đoán được. Qua đó tạo niềm tin cho thị trường, cho xã hội”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Thúc đẩy hay cản trở thì đều từ thể chế, luật pháp. Vừa rồi Thường trực CP nghe báo cáo về thể chế thu hút đầu tư, thấy nếu không cải cách thì không thể chạy đua với các nước được. Pháp luật mà một câu, một chữ không chuẩn xác, không phù hợp là làm chậm phê duyệt những dự án mang lại cho quốc gia cả tỉ đô. Cũng như thế, thể chế, luật pháp không tốt thì không thể đảm bảo, phát huy quyền làm chủ của người dân”.

Từ nhiệm vụ thu gọn, dọn dẹp hơn 120 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ Tư pháp cần tham mưu cho CP cải tiến quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL. Năm vừa qua, số văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành đã giảm một nửa so với trước đó nhưng vẫn còn những luật bị treo vì thiếu nghị định. Chưa kể có văn bản ban hành ra mà thẩm định không tốt, dẫn tới có nội dung sai, không phù hợp - chẳng hạn như vấn đề xử lý xe chính chủ. “Thấy sai, muốn sửa, mà chậm quá, rất sốt ruột” - Thủ tướng nhắc nhở.

Để khắc phục hạn chế đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu ý khâu thẩm định trước khi ban hành văn bản và theo dõi tác động của văn bản khi thực thi trong cuộc sống. “Vai trò trước hết của các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh là xây dựng, hoàn thiện chính sách, cơ chế. Việc đó không thể khoán trắng cho cơ quan chuyên môn. Cần đánh giá kỹ tác động của từng văn bản, xem lợi gì cho nước, cho dân, vướng mắc gì khi triển khai để kịp thời khắc phục, sửa chữa” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Sẽ đơn giản hóa giấy tờ công dân

Cùng với việc tham mưu, giúp CP trình QH thông qua Luật Hộ tịch vào kỳ họp giữa năm nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng đề án tổng thể về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, sẽ đánh giá thực trạng quản lý công dân, rà soát và đánh giá các quy định có TTHC liên quan đến người dân như hộ tịch, hộ khẩu, CMND, bảo hiểm. Qua đó đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ cho công dân.

Một nội dung của đề án là nghiên cứu một loại giấy tờ “trung tâm” chứa đựng các thông tin cơ bản phục vụ cho nhu cầu giao dịch của người dân và quản lý hành chính của Nhà nước. Đánh giá toàn bộ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ, ngành quản lý như cơ sở dữ liệu CMND, lý lịch tư pháp, hộ tịch, quốc tịch..., qua đó tìm giải pháp kết nối liên thông, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về dân cư.

Nếu thành công, việc triển khai TTHC trực tuyến và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp người dân và cơ quan nhà nước tiết kiệm chi phí rất nhiều, khi mà hiện nay đã có khoảng 600.000 giao dịch hành chính/ngày và sẽ còn tăng trong những năm tới.

NGHĨA NHÂN


Nguồn tin: phapluatvn.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 28


Hôm nayHôm nay : 4523

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 379866

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29797564

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên