02:01 ICT Thứ tư, 24/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội » Pháp luật

Án dân sự: Có nên xử rút gọn?

Thứ hai - 24/09/2012 10:35
Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Mới đây, TAND Tối cao đã tổ chức tọa đàm về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự. Nhiều kinh nghiệm về thủ tục xét xử đơn giản của các nước khác đã được đưa ra để trao đổi...
 

Một điều làm ngành tòa án đau đầu là theo thời gian, số lượng án dân sự ngày càng tăng. Đối với các đô thị lớn như TP.HCM, trung bình một thẩm phán một tháng phải giải quyết từ 10 vụ việc trở lên. Trong số đó, có không ít trường hợp tranh chấp đơn giản, các bên đều thừa nhận và mong tòa giải quyết nhanh. Tuy nhiên, nếu làm đầy đủ các thủ tục bắt buộc theo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành thì thời gian giải quyết ít nhất cũng phải vài tháng.

Hai phương án rút gọn

Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng và áp dụng thủ tục rút gọn được ngành tòa án xem là một trong các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, giảm lượng án quá hạn, tồn đọng. Trên thế giới, nhiều nước cũng đã thực thi thủ tục này rất hiệu quả.

Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Cường (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao) đã đề xuất hai phương án xây dựng thủ tục rút gọn trong án dân sự ở Việt Nam:

Phương án thứ nhất là bổ sung một chương vào BLTTDS nước ta về thủ tục tòa ra lệnh thanh toán hoặc buộc thực hiện nghĩa vụ với nội dung tương tự như BLTTDS của Nga, Pháp. Cụ thể, đối với những yêu cầu đòi nợ, đòi lại tài sản, yêu cầu cấp dưỡng cho trẻ chưa thành niên, yêu cầu nộp khoản thuế bị thất thu hoặc nộp những khoản tiền bắt buộc, yêu cầu đòi tiền lương… đã rõ ràng, tòa án sẽ ban hành lệnh trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần mở phiên tòa. Như vậy, nếu thực hiện phương án này thì sẽ không phải phụ thuộc vào việc phải sửa đổi hiến pháp và Luật Tổ chức TAND.

Với phương án thứ hai, ông Cường cho biết việc thực hiện sẽ phức tạp hơn nên sẽ không bổ sung thành một chương trong BLTTDS mà xây dựng hẳn thành một pháp lệnh riêng. Bởi lẽ phương án này xây dựng thủ tục rút gọn bao gồm cả hai thủ tục là ra lệnh thanh toán, buộc thực hiện nghĩa vụ và thêm cả thủ tục xét xử các tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Để thực hiện được phương án này cần phải sửa các quy định liên quan tại Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND. Đồng thời, cũng phải có quy định cụ thể thế nào là tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng...

Rút gọn là cần thiết?

Đề xuất xây dựng, áp dụng thủ tục rút gọn trong án dân sự của TAND Tối cao đã được nhiều chuyên gia đồng tình.

Theo luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam), thực tế có rất nhiều vụ việc rất đơn giản, chứng cứ rõ mười, đương sự chỉ chờ một phán quyết của tòa án để thực hiện việc thi hành án bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Nhưng tòa không thể đưa ra xét xử ngay vì một trong các nguyên nhân là thẩm phán sợ nếu không tiến hành đầy đủ các bước lấy lời khai, hòa giải… như luật định, dù không cần thiết thì cũng có thể bị hủy, sửa án. Vì vậy, nếu pháp luật bổ sung thủ tục rút gọn trong án dân sự sẽ là một bước tiến bộ lớn, giảm được lượng án tồn đọng, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc…

Kiểm sát viên Nguyễn Anh Đức (Bố Trạch, Quảng Bình) cũng đồng tình, nhận định thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự vừa giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người dân, vừa đỡ tốn thời gian, công sức của tòa và các đương sự. Tuy nhiên, ông Đức lưu ý khi áp dụng thủ tục rút gọn cần phải có các quy định chặt chẽ, chi tiết từ khâu tiền tố tụng đến khi thụ lý, giải quyết. Ở giai đoạn tiền tố tụng, luật cần tôn trọng, bảo đảm quyền khởi kiện của người dân. Còn trong giai đoạn giải quyết án, hồ sơ đã thể hiện chứng cứ rõ ràng, hai bên đương sự thừa nhận thì cần rút gọn các bước.

Lộ trình thực hiện

Ngay từ khi xây dựng BLTTDS năm 2004, TAND Tối cao đã nghiên cứu về thủ tục rút gọn. Đến khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, một lần nữa TAND Tối cao đã soạn thảo và đưa vào dự thảo nhiều quy định về thủ tục rút gọn, được Chính phủ và hầu hết các bộ nhất trí. Tuy nhiên, do những cản trở từ một số nguyên tắc của Hiến pháp nên sau đó thủ tục rút gọn vẫn chưa thể hiện thực hóa.

Cuối năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự được đưa vào chương trình chuẩn bị và giao cho TAND Tối cao là cơ quan trình dự thảo. Giữa tháng 8-2012, chánh án TAND Tối cao đã ra quyết định thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập Dự án Pháp lệnh Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự.

Tại Nga, với yêu cầu thanh toán nợ, buộc trả lại tài sản có căn cứ rõ ràng, yêu cầu công dân nộp khoản thuế bị thất thu, nộp những khoản tiền bắt buộc, yêu cầu của công an, cơ quan thuế, cơ quan thừa phát lại đòi hoàn trả chi phí cho việc tìm kiếm bị đơn, người có nghĩa vụ cùng tài sản của người đó…, tòa sẽ ban hành lệnh trong thời gian năm ngày kể từ ngày thụ lý đơn mà không cần mở phiên tòa, không cần triệu tập các bên liên quan.

Tại Pháp, BLTTDS quy định thủ tục rút gọn nhưng được áp dụng chủ yếu là buộc thanh toán nợ.

Tại Hàn Quốc, theo luật xét xử các khiếu nại nhỏ có hiệu lực từ năm 1973 thủ tục rút gọn được áp dụng cho yêu cầu trả tiền, hàng hóa thay thế, chứng khoán có giá trị không quá 20 triệu won. Luật cũng có điều khoản đặc biệt để tăng cường hiệu quả giải quyết án như lệnh của tòa án yêu cầu người bị kiện thực hiện nghĩa vụ mà không được phản biện lại, cho phép ra phán quyết bằng văn bản mà không cần nêu rõ lý do...

Tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), thủ tục đơn giản được áp dụng với những tranh chấp về tài sản có giá ngạch không quá 100.000 yuan hoặc đối với những vụ án không phụ thuộc vào giá ngạch vụ kiện. Ví dụ như tranh chấp về thời hạn thuê nhà, thời hạn vay mượn, tranh chấp giữa người du lịch và chủ khách sạn, chủ nhà hàng về trả tiền ăn, tiền ở, phương tiện, trông giữ hành lý… Theo thủ tục này, nguyên đơn có thể khởi kiện miệng. Tòa triệu tập đương sự, người làm chứng, giám định viên thông qua bất kỳ hình thức nào tiện lợi nhất và xét xử nhanh gọn.

HOÀNG YẾN


Nguồn tin: phapluattp.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 296


Hôm nayHôm nay : 2772

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 358240

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30206800

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến www.nghiepvuketoan.vn từ đâu?

Báo chí

Bạn bè giới thiệu

Công cụ tìm kiếm

Khác

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên