16:47 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội

Xúc phạm danh dự đến đâu thì phải bồi thường?

Thứ hai - 09/07/2012 10:34
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một giám đốc bị chửi vô văn hóa trước mặt người khác là sự xúc phạm danh dự nặng nề thì với một gã lưu manh có khi chỉ như “nước đổ lá môn”.
 

 

Ngày càng có nhiều vụ kiện ra tòa đòi xin lỗi, bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại. Trong khi đó, pháp luật dân sự về lĩnh vực này vẫn còn không ít lỗ hổng…

Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ. Người bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; bồi thường thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần...

Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận xét luật vẫn còn những “lỗ hổng” trong lĩnh vực này.

Thế nào là xúc phạm?

“Lỗ hổng” đầu tiên, theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM là BLDS không đưa ra khái niệm thế nào là danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tương tự, hành vi như thế nào thì được coi là xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, luật cũng bỏ ngỏ. Việc quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào nhận định cảm tính của tòa.

Chính vì vậy, thực tế đã phát sinh nhiều vụ đương sự quyết kiện ra tòa cũng bởi cho rằng mình bị xúc phạm nghiêm trọng, trong khi với những người khác thì chỉ là chuyện đụng chạm lặt vặt, đương sự “nhạy cảm” thái quá. Hoặc cũng có những vụ sinh hoạt của đương sự bị ảnh hưởng do bị xúc phạm nhưng tòa lại nhận định mức độ xâm phạm chưa nghiêm trọng để bác yêu cầu đòi bồi thường…

Chẳng hạn gần đây nhất, TAND một huyện ở TP.HCM đang phải băn khoăn về vụ một bà mẹ kiện bạn học của con ra tòa vì trong quá trình chơi với nhau khá thân ở trung tâm đào tạo nghề, cậu bạn học hay gọi con bà là “gay”. Bà đã yêu cầu chấm dứt cách gọi này nhưng cậu kia không nghe, còn trêu chọc khắc chữ “gay” lên bàn học của con bà. Bà tức giận, yêu cầu cậu bạn học của con xin lỗi công khai tại trung tâm đào tạo nghề, viết đơn xin lỗi gửi bạn bè trong trường, bồi thường danh dự 10 triệu đồng. Không được đáp ứng, tháng 5-2012, bà kiện ra tòa yêu cầu cậu bạn học của con xin lỗi, bồi thường, đồng thời yêu cầu cha mẹ của cậu này có nghĩa vụ giáo dục con cái...

Trong vụ này, bà mẹ bảo: “Giấy tờ đều xác định con tôi là nam, nó đổi trắng thay đen nói con tôi là “gay” là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tôi và con trai tôi”. Bạn học của con bà phân bua: “Chỉ nói bâng quơ cho vui, không hề ám chỉ” và “không gây ảnh hưởng hay thay đổi bản chất sự thật giới tính” của bạn. Một luật sư nhận xét: “Cách xưng hô có thể đụng chạm nhưng chỉ là bâng quơ, không ám chỉ thì rất khó để quy kết. Tốt nhất hai bên nên hòa giải để tránh tổn thất tình cảm”!

Xúc phạm đến đâu thì phải bồi thường?

Một “lỗ hổng” khác liên quan đến chuyện bồi thường thiệt hại. BLDS quy định người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm hại những khoản sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Ngoài ra, người gây thiệt hại còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu…

Theo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện cũng chưa có quy định hay hướng dẫn rằng mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nghiêm trọng đến mức nào thì người vi phạm sẽ phải bồi thường? Do đó, việc chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường hay không, nhất là bồi thường tổn thất về tinh thần cũng thuộc toàn quyền xem xét của tòa.

Chẳng hạn, vụ đòi bồi thường giữa hai bà KT và TT tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Do có xích mích từ trước, bà TT chửi bà KT với những lời lẽ khá nặng nề trước mặt nhiều người. Bà KT bức xúc khởi kiện, yêu cầu bà TT xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất về tinh thần 4,5 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND huyện Gò Công Tây đã buộc bà TT xin lỗi công khai bà KT tại nơi cư trú nhưng bác yêu cầu đòi bồi thường tổn thất về tinh thần của bà KT. Bà KT kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang cũng đồng quan điểm với cấp sơ thẩm khi nhận định: Bà TT tuy có lời lẽ xúc phạm đến bà KT nhưng “chưa đến mức nghiêm trọng” nên không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường 4,5 triệu đồng của bà KT.

Có cần chuẩn hóa?

Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam) nhận xét: Đúng là pháp luật vẫn còn chưa chi tiết, cụ thể trong lĩnh vực này nhưng nếu đòi hỏi phải chuẩn hóa theo dạng liệt kê các hành vi nào là xúc phạm, xúc phạm đến đâu phải bồi thường… sẽ rất khó khả thi.

Thứ nhất, hành vi xúc phạm vốn diễn ra rất đa dạng trên thực tế: Chửi bới, miệt thị trực tiếp, ở sau lưng rêu rao tin đồn thất thiệt, viết thư từ, email nói xấu, rỉ rả vu vạ… đủ kiểu. Thứ hai, một câu nói, một hành vi có bị xem là xúc phạm hay không còn tùy thuộc vào tri thức, văn hóa, vị trí xã hội… của người bị xúc phạm. Ví dụ, một giám đốc bị chửi ngay trước mặt hội đồng quản trị là đồ vô văn hóa, đồ bất tài thì rõ ràng đó là một sự xúc phạm đến uy tín, danh dự nặng nề. Nhưng nếu câu chửi ấy dùng cho một gã lưu manh ngoài đường thì có khi lại chỉ như “nước đổ lá môn”. Hoặc hai bà chợ búa chửi nhau có thể sẽ khác với một cô giáo bị chửi như vậy…

Theo một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, với những quy định hiện hành, nếu các thẩm phán cẩn thận xem xét toàn diện vụ việc như hành vi xúc phạm đó là gì, diễn ra ở đâu, có ai chứng kiến, người bị xúc phạm là người như thế nào, có chứng cứ chứng minh thiệt hại không… thì vẫn hoàn toàn có thể tuyên được một bản án thuyết phục.

Không xin lỗi, thi hành án “chào thua”!

Trong các vụ kiện vì danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm, ngoài trách nhiệm vật chất, các tòa cũng thường tuyên buộc bên vi phạm phải xin lỗi công khai.

Nếu như việc thi hành phần bồi thường không có gì phức tạp bởi cơ quan thi hành án có thể khấu trừ thu nhập, kê biên, bán đấu giá tài sản thì với việc xin lỗi công khai, một khi bên vi phạm không tự nguyện là cơ quan thi hành án “bó tay”. Có chuyện này bởi việc xin lỗi công khai giữa cá nhân với nhau được thực hiện ra sao, nếu không thực hiện thì xử lý như thế nào pháp luật chưa có quy định để điều chỉnh.

Càng cụ thể càng tốt?

Cả Bộ luật Hình sự, BLDS lẫn pháp luật hành chính như Nghị định 73 ngày 12-7-2010 của Chính phủ đều có quy định về chế tài, trách nhiệm đối với người xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Nhưng vấn đề mấu chốt là chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích, định nghĩa rõ thế nào là “danh dự, nhân phẩm, uy tín”. Chính việc chưa rõ ràng này dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn nhiều cách xử lý, quyết định khác nhau của người có thẩm quyền.

Việc cá nhân bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín diễn ra tương đối phổ biến và không ít vụ phải đưa nhau ra tòa nhưng trong thực tiễn xét xử vẫn có nhiều quyết định của bản án chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện gây không ít thắc mắc cho các đương sự. Vì vậy các nhà làm luật cần phải quy định thật cụ thể, chuẩn mực để việc áp dụng luật pháp được thống nhất.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨCĐoàn Luật sư TP.HCM

Khó chứng minh

Trong án đòi bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, để được bồi thường, người khởi kiện phải chứng minh được với tòa là có thiệt hại xảy ra và thiệt hại đó do hành vi trái pháp luật của phía bị đơn. Việc chứng minh có những thiệt hại xảy ra, nhất là tổn thất về tinh thần hoàn toàn không đơn giản như tinh thần đau buồn, tình cảm mất mát, uy tín bị giảm sút…

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU,  Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN


Nguồn tin: phapluattp.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 68


Hôm nayHôm nay : 8576

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 383919

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29801617

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến www.nghiepvuketoan.vn từ đâu?

Báo chí

Bạn bè giới thiệu

Công cụ tìm kiếm

Khác

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên