23:47 ICT Thứ sáu, 19/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội

Tình huống bất ngờ trước phiên phúc thẩm xét xử Nguyễn đức Nghĩa: Có thể thoát chết nhờ hoàn cảnh gia đình?

Thứ ba - 02/11/2010 14:58
Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Ông Nguyễn Đức Hùng -bố của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa bất ngờ tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông trước phiên phúc thẩm một lần nữa lại khiến vụ việc được dư luận quan tâm. Tội ác của Nguyễn Đức Nghĩa đã quá rõ, bản án tử hình mà phiên toà sơ thẩm đã tuyên cũng nhận được sự đồng tình của dư luận. Mặc dù trong lúc “tang gia bối rối” - vừa phải lo tang chồng xong nhưng mẹ của Nguyễn Đức Nghĩa cũng không quên viết đơn xin giảm án cho con. Đứng trước tình huống bất ngờ này, trên một số diễn đàn đã nhắc đến khả năng có thể giảm án, tha tội chết cho Nguyễn Đức Nghĩa (?!). Đây là một tình huống pháp lý đặc biệt, ĐS &PL khảo sát ý kiến các luật gia giúp bạn đọc có thêm thông tin nhìn nhận vấn đề này.

KHÔNG THỂ XEM LÀ TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ

Theo ý kiến của một số luật gia,  xét về mặt đạo đức hoàn cảnh của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa là thương tâm và đáng được thông cảm. Nhưng theo các quy định pháp luật hiện hành thì không thể xem là một tình tiết có thể giảm tội cho Nguyễn Đức Nghĩa...

Chưa có tiền lệ

Trao đổi với PV báo ĐST &PL, ông Nguyễn Đức Mạnh (Công ty luật BizLink), nhận định: “Như chúng ta biết, việc xử tội chết cho những người có hành vi giết người theo kiểu "giết người đền mạng" đã xuất phát từ thời trung cổ. Góc độ khác, theo suy nghĩ của tôi, với tội danh giết người và khung hình phạt tử hình, tức tước bỏ đi sinh mạng của một người nữa cũng là việc cần phải cân nhắc cẩn trọng. Khi một kẻ ác gây tội ác, cũng không nhất thiết phải tước bỏ đi mạng sống của người đó. Cũng đã từng có những quan điểm cho rằng án tử hình không hẳn là biện pháp tối ưu nhất. Cách ly vĩnh viễn một kẻ tội đồ cũng là một điều có ích cho xã hội.  Song một hành vi vi phạm bị xử lý, không chỉ có ý nghĩa với chính những người liên quan đến vụ án đó, mà còn có mục đích răn đe, ngăn chặn một hành vi tương tự.

Với quan điểm đó, trong tình huống cụ thể của vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, có rất nhiều điều đáng quan tâm, cả về dư luận xã hội ở thời điểm ngay khi vụ án xảy ra cũng như dư âm của vụ án đối với xã hội sau này. Vì vậy chắc chắn cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải có quan điểm rõ ràng khi cầm cân nảy mực trên các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Tình huống bố hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa vừa qua  đời trong một vụ tai nạn giao thông vừa qua, là một mất mát rất lớn với bất kỳ gia đình nào, rất đáng được thông cảm. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề, liệu đây có phải là tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt, theo quy định pháp luật hiện hành là không có và theo thông tin mà tôi biết, nó cũng không có tiền lệ. Với mỗi công dân khi đủ 18 tuổi, là tự mình phải chịu mọi trách nhiệm do hành vi của mình gây ra với xã hội, chứ không ai chịu thay cho hành vi pháp lý của họ.

Về vấn đề tố tụng, hiện nay ở Việt Nam có mức án chung thân, tức về mặt lý thuyết một bị cáo có  mức án chung thân, vẫn có cơ hội quay trở lại hoà nhập cộng đồng, nếu cải tạo tốt, được ân xá, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật đúng như tinh thần hướng thiện của dân ta. Có những nước, họ có án tù vĩnh viễn, tức bị cáo không có cơ hội hoà nhập cộng đồng. Bị cách ly khỏi cuộc sống xã hội một cách vĩnh viễn. Tôi nghĩ cách ly vĩnh viễn cũng là một hình phạt đủ sức nặng. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên mỗi vụ án có những tình tiết, tình huống khác nhau. Trên tinh thần thuợng tôn pháp luật, song cũng không phải là không xét đến tính nhân văn trong mỗi vấn đề”.

Ý kiến gia đình bị hại có vai trò quan trọng

Trao đổi với PV báo ĐST &PL, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng khẳng định:  “Theo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, sự việc bố của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa bị chết, trong khi Nghĩa đang đối mặt với án tử hình, gia đình không có người nối dõi (dòng họ), thì không phải là một trong những tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật”.

 

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Theo Điều 46 của Bộ luật Hình sự hiện hành thì các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức; Phạm tội do lạc hậu; Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người già; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

Luật cũng quy định: Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.  Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.


"Tuy nhiên, tôi thấy đây là trường hợp đặc biệt mà các cơ quan hữu quan cần phải xem xét. Cụ thể, trong quá trình xét xử, HĐXX có thể ân giảm án án tử hình cho bị cáo Nghĩa. Việc ân giảm này phải được ghi rõ trong biên bản nghị án và chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ khi gia đình bị hại không có phản ứng (được gia đình bị hại chấp thuận). Nói cách khác, việc này chủ yếu phụ thuộc vào thái độ gia đình người bị hại. Nếu gia đình bị hại đồng cảm, mọi việc rất có thể... Ngoài ra, nếu HĐXX vẫn y án sơ thẩm, thì gia đình bị cáo có thể làm đơn xin được ân giảm gửi lên Chủ tịch nước xem xét; hoặc làm đơn gửi Chánh án TANDTC, Viện KSNDTC đề nghị xem xét ân giảm tội cho Nghĩa" -Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ nhận xét.

Luật sư Tỵ cũng cho biết, trong mấy chục năm làm nghề thẩm phán, và hiện nay đang hành nghề luật sư, ông chưa từng gặp trường hợp tương tự, kể cả ông đã tham khảo quá trình xét xử các vụ án hình sự nổi tiếng ở nước ngoài.

Cũng trong chiều qua (1/11/2010), trao đổi với PV ĐS &PL một vị nguyên là Thẩm phán Toà hình sự của TANDTC đã cho rằng, về tình huống đặc biệt xảy ra này cũng chưa phải là tình tiết giảm nhẹ để tha tội chết cho bị cáo. ở góc độ tình cảm, vị thẩm phán này cho rằng hoàn cảnh của gia đình của bị cáo là rất đáng cảm thông.  Mặt khác vị thẩm phán này cho rằng, nếu chỉ xét về mặt thuần tuý pháp lý,  thì  tình huống này không ảnh hưởng gì đến việc xét xử của vụ án. Việc này cũng chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, xét theo diễn biến và quá trình của vụ án, có thể dựa trên tinh thần cân nhắc, khoan hồng của gia đình bị hại để xem xét đến việc có tha tội chết cho bị cáo Nguyễn đức Nghĩa hay không. Tức là ngoài vấn đề pháp lý, quy định của pháp luật, HĐXX cũng có thể xem xét ý kiến của gia đình nạn nhân (nếu có) trong quá trình xét xử.

Đ.PHƯƠNG - A.TUẤN

 

Mẹ Nguyễn Đức Nghĩa  gửi đơn xin giảm án

 

Bà Nguyễn Thị Chuân (ảnh bên), mẹ của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa đã gửi đơn xin xin giảm tội cho con tới TANDTC và VKSNDTC. Trong đơn có đoạn viết: "Tôi biết rằng con trai tôi đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và đã được dư luận, báo chí đưa tin rất nhiều trong thời gian qua với những quan điểm còn gây nhiều tranh luận.

Tôi chưa có hiểu biết nhiều về bản chất các quy định của pháp luật nên tôi không tranh luận về các quy định của luật pháp. Tôi chỉ dám viết mấy lời cầu khẩn tới các quý cơ quan tố tụng xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho cháu có cơ hội được sống để sám hối những tội lỗi mình đã gây ra cho xã hội.

Tôi biết rằng cơ hội làm lại cuộc đời với cháu là cực kỳ khó. Với tư cách là người mẹ sinh ra một người con trai duy nhất trong gia đình dòng tộc, tôi kính mong các quý cơ quan mở lượng khoan hồng cho cháu. Bố cháu là Nguyễn Đức Hùng đã cả cuộc đời phấn đấu vì xã hội, đã có những cống hiến với Nhà nước qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và để lại một phần thương tích trên cơ thể (là thương binh). Gia đình chúng tôi là gia đình có truyền thống Cách mạng. ông Nguyễn Đức Hùng là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Thưa các quý cơ quan, gia đình tôi hiện nay hoàn cảnh rất đau buồn. Con trai độc nhất là Nguyễn Đức Nghĩa thì đang đối mặt với bản án tử hình. Còn bố cháu thì lại qua đời một cách bất ngờ trước ngày xét xử con trai mình. Định mệnh đã lấy đi người chồng của tôi. Còn người con trai duy nhất của gia đình tôi chỉ biết khẩn cầu tới các quý cơ quan xem xét để cho con trai tôi có cơ hội được sống, để tôi còn có được động lực sống nốt thời gian cuối của cuộc đời...”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngà - nguyên Trưởng ban Gia đình (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc):

GIẢM ÁN TỨC LÀ CỨU MẸ CỦA NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

Tôi theo dõi  từ đầu vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giết người. Hành vi phạm tội của Nghĩa, theo quy định của pháp luật, bị xử phạt tử hình là đúng tội. Hôm xử phúc thẩm, khi luật sư vắng mặt, hoãn phiên toà, tôi nhìn thấy nụ cười của Nghĩa, tôi không thích nụ cười đó. Nụ cười đó hàm chứa một cái gì đó khó giải thích nhưng làm người ta không thiện cảm... Người đau đớn nhất trong vụ án này là cha, mẹ Nghĩa. ông Hùng - bố của Nghĩa là người theo con suốt chặng đường từ khi vụ việc xẩy ra. Biết con bị tuyên án tử hình, ông Hùng  vẫn cố hết sức  nhằm cứu vãn, con sống được ngày nào hay ngày đó.

Vì lo cho conV, trên đường đi thăm con về người cha đã bị tai nạn và chết. Nhà có 2 người đàn ông thì bố vừa chết vì tai nạn, đứa con đang trong tù với bản án tử hình treo lơ lửng trên đầu, với hoàn cảnh này mẹ Nghĩa là người đau khổ nhất. Theo tôi, xét về tình người, thì sắp tới, ở phiên toà phúc thẩm, toà nên xem có tình tiết nào áp dụng, có thể giảm nhẹ hình phạt cho Nghĩa từ tử hình, xuống chung thân được không?. Nếu được, theo tôi, đó là nghĩa cử cao đẹp, nhân đạo rất lớn của pháp luật. Vì Nghĩa là con trai duy nhất của gia đìnhồ, bố Nghĩa vừa qua đời vì tai nạn. Nếu Nghĩa được xem xét, được giảm hình phạt, có nghĩa là có cơ hội để chăm sóc mẹ sau này - người đàn bà đã quá khổ đau. Tôi mà ở trường hợp của mẹ Nghĩa, chắc tôi không sống nổi sau cái chết của chồng và những sức ép từ đứa con mang án giết người.

Tiến sỹ Vũ Thị Thu Hiền - Nhà N06, đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội:

MẸ NGHĨA LÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ BẤT HẠNH

Bố Nghĩa chết, tức là mọi gánh nặng trần ai bây giờ đổ hết lên đầu mẹ Nghĩa. Đứng về khía cạnh lễ giáo gia đình, mẹ Nghĩa là người đàn bà bất hạnh, có con là tử tù; là người vợ goá chồng đúng lúc cần một bờ vai nương tựa nhất... Theo tôi, Nghĩa là người gây ra tất cả. Thế nhưng, nếu tha tội chết cho Nghĩa, chính là cứu mẹ Nghĩa - một người mẹ đã chịu quá nhiều đau đớn, tủi hờn do con gây ra. Vậy hãy cho mẹ Nghĩa một tia hy vọng. Tôi rất cảm thương với hoàn cảnh của mẹ Nghĩa bây giờ.

Thuỳ Dương (ghi)

Nguồn tin: doisongphapluat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 79


Hôm nayHôm nay : 15445

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 276737

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30125297

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến www.nghiepvuketoan.vn từ đâu?

Báo chí

Bạn bè giới thiệu

Công cụ tìm kiếm

Khác

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên