17:09 ICT Thứ ba, 16/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội

Lấy “vợ hai” cả chục năm: Khó xử lý

Thứ ba - 15/05/2012 10:02
Ảnh từ internet

Ảnh từ internet

UBND phường cho rằng đương sự có dấu hiệu phạm tội nhưng công an phường chỉ đồng ý xử phạt hành chính.
 

 

Trong vụ việc này, người chồng là ông Q. (quận 7, TP.HCM), còn người vợ hợp pháp là bà N. (quận 1, TP.HCM). Cớ sự phát sinh khi bà N. gửi đơn đến phường đề nghị xử lý hình sự ông Q. đã lấy “vợ hai” hơn 12 năm khi chưa ly hôn với bà.

Lớn chuyện từ việc người chồng kêu bán nhà   

Theo phản ánh của bà N., bà kết hôn với ông Q. vào năm 1981 và ông Q. ở rể nhà cha mẹ vợ. Sau khi sinh con đầu lòng, vợ chồng bà về sống cùng nhà với mẹ chồng tại phường Tân Thuận Tây (quận 7) và có thêm hai người con nữa. Năm 1990, do vợ chồng mâu thuẫn nên bà dẫn ba người con về sống với mẹ ruột của mình từ đó đến nay. Suốt thời gian này, một mình bà buôn bán nuôi con, còn ông Q. không chu cấp gì cả. Trong khi đó vào năm 2000, ông Q. lấy vợ mới và có với nhau một con chung.

Đến năm 2010, bà biết ông Q. kêu bán nhà và làm di chúc để lại tiền bán nhà cho đứa con của người “vợ hai”. Thế là bà gửi đơn xin ly hôn ông Q. (trong đó có đặt vấn đề chia tài sản) nhưng rồi sau đó bà đã rút đơn. Năm sau, bà N. gửi đơn đến UBND phường Tân Thuận Tây (nơi ông Q. cư trú) đề nghị chính quyền ngăn chặn việc ông Q. bán nhà, đồng thời xem xét, xử lý hình sự ông Q. về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cũng nhận thấy ông Q. có dấu hiệu phạm tội nên UBND phường này đã chuyển đơn đến công an phường xem xét.

Chỉ có thể xử hành chính

Theo khoản 2 Điều 4, Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ), người đang có vợ, có chồng bị cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Tùy mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dựa vào quy định này và kết quả xác minh, công an phường cho rằng ông Q. đã có hành vi vi phạm Luật HN&GĐ nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Công an phường quyết định chuyển hồ sơ để UBND phường xử phạt hành chính. Lần này để chắc ăn, UBND phường đã xin ý kiến của Phòng Tư pháp quận 7.

Ngày 6-2, Phòng Tư pháp quận 7 có công văn khẳng định hành vi của ông Q. chỉ là vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt thuộc về UBND phường. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001, hành vi vi phạm như của ông Q. bị phạt tiền từ 100.000 đến 500.000 đồng. Ngoài ra, ông Q. còn bị buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. Song trên thực tế ông Q. đã thực hiện hành vi vi phạm hơn 12 năm nên đã hết thời hiệu xử phạt (theo luật định, thời hiệu xử phạt này là một năm kể từ ngày vi phạm được thực hiện). Vì lý do này, Phòng Tư pháp quận 7 hướng dẫn UBND phường chỉ ban hành quyết định buộc ông Q. chấm dứt quan hệ với “vợ hai”.

Ai lập biên bản vi phạm?

Tưởng vậy là đã rõ nhưng UBND phường lại lúng túng trong việc xác định cơ quan lập biên bản vi phạm. Theo cán bộ tư pháp phường thì hồ sơ xử phạt hành chính phải có biên bản vi phạm hành chính do công an phường lập nhưng công an phường lại không đồng ý như vậy.

Theo bà Hồ Thị Phước Thọ, Trưởng phòng Tư pháp quận 7, khi có quyền ra quyết định xử phạt thì UBND phường cũng có quyền lập biên bản về hành vi vi phạm. Không quá khó để UBND phường xác định ông Q. đã chung sống như vợ chồng với người khác. Mặt khác, ông Q. cũng đã thừa nhận mọi việc. 

Ông Lâm Quốc Thái, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp TP.HCM, cũng đồng thuận với ý kiến của Phòng Tư pháp quận 7. Theo ông Thái, vi phạm của ông Q. chỉ nên xử phạt hành chính. Khi công an phường đã xác định vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình và chuyển đến UBND phường thì UBND phường có thẩm quyền lập biên bản và tiến hành xử phạt theo đúng quy định.

Hiểu sao về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng?

Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...

Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát v.v...

b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

KIM PHỤNG


Nguồn tin: phapluattp.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 47


Hôm nayHôm nay : 10304

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 224189

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30072749

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên