21:37 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội

Đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam: Vẫn mơ hồ?

Thứ hai - 14/03/2011 16:19
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại một hội thảo về kinh tế Việt Nam mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên đã kể lại hai mẩu chuyện nhỏ Tại một hội thảo về kinh tế Việt Nam mới đây, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã kể lại hai mẩu chuyện nhỏ.

NGUYÊN THẢO
14/03/2011 15:37 (GMT+7)

 

Chính sách muốn đi vào cuộc sống phải được thể hiện bằng luật.

Chuyện thứ nhất. Trong một cuộc gặp với một vị lãnh đạo cấp cao, một chuyên gia kinh tế đã phát biểu gay gắt rằng những đánh giá về thành tích kiểu như nền kinh tế cơ bản là ổn định, tăng trưởng cơ bản là bền vững… sẽ gây ra ảo tưởng rằng các chính sách mà chúng ta đang làm là rất tốt. Ý của chuyên gia đó là những nhận định kiểu như thế cần điều chỉnh lại tại các văn kiện chính thức, ông Thiên nói.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến cuộc tranh luận của hai nhóm tại một trung tâm chiến lược về thay đổi mô hình tăng trưởng. Một nhóm cho là tái cơ cấu kinh tế phải đặt lên đầu, nhóm khác cho rằng đổi mới mô hình tăng trưởng phải là vấn đề bao trùm.

“Hôm sau tôi nói riêng với từng ông một, là các anh cãi nhau thế thì được cái gì. Đổi mới mô hình tăng trưởng là định hướng để làm, còn tái cấu trúc là thực hiện cái đổi mới mô hình đó”, vị viện trưởng này kể lại.

Không trực tiếp bình luận, nhưng trong suốt một ngày rưỡi diễn ra hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn" do Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức cuối tuần qua tại Cần Thơ, hàm ý của hai câu chuyện nói trên cũng là nội dung được tranh luận sôi nổi.

Bởi như yêu cầu được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh: vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải đánh giá đúng và nhận diện được đầy đủ những vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Từ đó đưa ra được giải pháp đồng bộ, hiệu quả và khả thi để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Có 50 m2 nhà là thành… triệu phú USD

Mất cân đối vĩ mô đã và đang làm suy giảm lòng tin của cả nhà đầu tư và người tiêu dùng, đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và ổn định xã hội, là nhận định của Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng.

Từ các góc nhìn cụ thể hơn, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra những phát hiện riêng đi kèm với sự quan ngại sâu sắc.

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bong bóng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản từ cuối năm 2006 đến cuối năm 2007 đã tạo đột biến thị trường tín dụng và hình thành lượng tài sản ảo so với nền kinh tế thực, mà lạm phát trong hai năm 2007-2008 đã san bằng khoảng chênh lệch đó bằng một mặt bằng giá mới.

Theo ông Lịch, không có nơi nào như Việt Nam, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 1.000 USD, nhưng chỉ trong vòng mấy năm thôi, nếu ai ở Hà Nội và Tp.HCM có căn nhà 50 m2 mặt tiền hay 100 m2 trong hẻm đều trở thành triệu phú USD hết.

Đề nghị Viện Khoa học xã hội tổ chức nghiên cứu vấn đề này và cho rằng kết quả nghiên cứu sẽ khiến mọi người "giật mình”, ông Lịch phân tích, tài sản ảo này được cân đối bằng khối lượng tiền tệ khủng khiếp và bất cứ lúc nào nó cũng luân chuyển. "Cơn lũ này nó chuyển qua chuyển lại làm xáo động tất cả, không ngăn chặn cái này thì không thể ổn định được".

Trong một phân tích khác, Viện trưởng Trần Đình Thiên thẳng thắn: trong năm 2010, thông điệp được Chính phủ phát đi từ đầu năm là quyết tâm ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thứ hai là tái cấu trúc nền kinh tế và mục tiêu thứ ba mới là tăng trưởng.

"Cuối năm, hai mục tiêu ưu tiên hàng đầu chưa đạt được, trong khi tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có động tĩnh gì”, ông Thiên nói.

Bắt buộc phải tái cấu trúc

Khẳng định thêm sự cần thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế đã được nhiều ý kiến thống nhất,  TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa thêm luận cứ.

Từ 2006 - 2010, vốn FDI giải ngân 45 tỷ USD, ODA là 13,8 tỷ USD. Như vậy, gần 60 tỷ USD giải ngân không từ nguồn vốn ngân sách (ODA còn có thể gọi là từ nguồn vốn ngân sách nhưng chủ yếu vào hạ tầng giáo dục - ông Kiên giải thích rõ hơn), chưa kể khoản đầu tư từ ngân sách, chỉ làm tăng được 0,1% tỷ trọng công nghiệp trong GDP.

Nhìn từ cơ cấu đầu tư và cơ cấu của nền kinh tế, ông Kiên cho rằng đã đến lúc bắt buộc phải tái cấu trúc.

Cho rằng không cần bàn cãi về sự cần thiết, thậm chí là cấp thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng, song Viện trưởng Thiên tỏ ra hết sức sốt ruột khi dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2015 "chưa có câu chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng”.

Sau tiếng nhắc nho nhỏ rằng "có đề cập" của chủ tọa, ông Thiên phản biện ngay: tinh thần xuyên suốt của những cân đối vĩ mô cho việc này là không có, dù anh viết 100 từ đổi mới nhưng cách làm, các cân đối như vậy thì vẫn không phải là đổi mới.

"Mô hình tăng trưởng tại dự thảo kế hoạch 5 năm tới vẫn kiểu cũ, dựa vào khai thác tài nguyên là chủ yếu, trong khi chỉ 2-3 năm nữa là hết mỏ. Ý kiến chủ quan của tôi là chưa thấy nhiệm vụ tái cấu trúc ở đây", ông Thiên quả quyết.

Bên cạnh ý kiến khá quyết liệt của Viện trưởng Thiên, nhiều ý kiến khác đều gặp nhau ở nhận định cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế để chuẩn bị cho Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển nhanh, bền vững và tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất khu vực và chuỗi gía trị toàn cầu

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đặng Văn Thanh lại băn khoăn, nói nhiều về mô hình tăng trưởng thì không biết đã chuẩn chưa? Cái quan tâm là phải tính tới mô hình phát triển của Việt Nam, bởi có rất nhiều cái tăng trưởng nhưng không phát triển, vì, "tăng trưởng do vốn và lao động thì phát triển gì đâu".

"Quả bóng" về chân Quốc hội

Cũng theo ông Thanh, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đã thấy rồi, nhưng cái khó nhất là giải pháp cụ thể.

"Quả bóng" này sẽ phải quay về chân Quốc hội, vì suy cho cùng tái cơ cấu là chọn lựa cho được một cơ cấu kinh tế Việt Nam hợp lý, nhưng để đạt được cơ cấu đó phải do phân bổ nguồn lực, và đây thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

"Nếu cứ phân bổ vốn như hiện nay thì không thể hiệu quả, không thể tái cơ cấu được, Quốc hội phải mạnh mẽ hơn trong phân bổ nguồn lực cho ngành lĩnh vực, vùng miền cần được ưu tiên phát triển", ông Thanh nêu ý kiến.

Còn theo ông Thiên thì một việc mà Quốc hội nên làm, rất đáng làm, là cần làm rõ những tổn thất do chống lạm phát và chi phí cho điều hành là bao nhiêu, vì những cái này rất tốn kém.

Gọi những giải pháp trung, dài hạn là nước cờ thứ hai sau những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang triển khai thực hiện, TS. Trần Du Lịch cho rằng cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy. Bởi tư duy nặng nề nhất trong quản lý kinh tế, theo ông, là việc "dạy người ta nên sản xuất cái này, cái kia, trồng con này, nuôi con kia".

"Anh phải quên chuyện đó đi, nhà nước muốn gì thì dùng hệ thống chính sách tác động vào thị trường, thị trường sẽ hướng dẫn doanh nghiệp, làm cái gì lợi nhuận cao thì người ta làm, chứ không làm theo nhà nước”, ông Lịch phát biểu.

Cũng theo ông Lịch, trong kinh tế thị trường, mọi nhà nước đều có bốn nhóm công cụ về chính sách: chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách chi tiêu và chính sách kinh tế đối ngoại. Nhưng chính sách muốn đi vào cuộc sống phải được thể hiện bằng luật.

Ví dụ được "ông nghị” này nêu ra là để khắc phục hậu quả khủng hoảng của Hàn Quốc năm 1997 -1998, chỉ trong một năm, vị tổng thống nước này đã trình Quốc hội sửa 1.000 đạo luật (dĩ nhiên mỗi luật chỉ sửa 1-2 điều), và đã cứu được toàn bộ nền kinh tế.

Vậy Quốc hội Việt Nam phải sửa bao nhiêu luật? Đặt câu hỏi này, ông Lịch đề nghị Ủy ban Kinh tế qua tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế sẽ tính toán cụ thể, qua đó chủ động kiến nghị Quốc hội khóa 13 có sự ưu tiên để tạo hệ thống chính sách đồng bộ. Nếu không đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu cứ "nói mà không làm được".

Tư tưởng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế phải được triển khai ngay từ năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, chứ không thể chờ thêm nữa, TS. Lịch đồng quan điểm với nhiều chuyên gia tại hội thảo.

Nguồn tin: VN Economy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 26


Hôm nayHôm nay : 15974

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 374257

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29791955

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến www.nghiepvuketoan.vn từ đâu?

Báo chí

Bạn bè giới thiệu

Công cụ tìm kiếm

Khác

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên