18:52 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Pháp luật & Đời sống xã hội

Cơ hội lớn để TQ thành “cá mập” lúa gạo

Thứ năm - 10/01/2013 09:17
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một nghịch lý đang diễn ra suốt những năm gần đây: Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong khi nước này sản xuất gạo lớn nhất thế giới.
 

 

Liệu có một chiến lược nào từ Trung Quốc đang diễn ra đối với mặt hàng “tối thiết yếu” này hay không?

Vừa qua, Liên Hiệp Quốc cho biết sản lượng nhập khẩu gạo Trung Quốc có thể tăng lên bốn lần trong năm 2013. Đây là hệ quả của chính sách hỗ trợ thu nhập cho người nông dân từ chính phủ Trung Quốc. Trong năm 2012, theo ông Concepcion Calpe - một chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lượng gạo Trung Quốc nhập khẩu đạt từ 2,3 đến 2,4 triệu tấn, gấp bốn lần con số 600.000 tấn của năm 2011 và vượt xa mức 2 triệu tấn được FAO đưa ra hồi tháng trước. “Năm 2012 đánh dấu bước chuyển lớn trong hoạt động nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Không ai có thể biết chắc chắn khối lượng gạo đang nằm trong các kho chứa ở nước này” - tờ Bangkok Post trích lời ông Conception Calpe.

Thúc đẩy cho “nước chảy vào chỗ trũng”…

Chính sách thu mua gạo nội địa cao của chính phủ Trung Quốc khiến các doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc thu mua, sản xuất lúa gạo với nông dân trong nước. Tuy nhiên, họ sẽ có lợi do sự chênh lệch giá giữa gạo nước ngoài và gạo nội địa, gây ra hiệu ứng “nước chảy chỗ trũng” - gạo đến nơi có giá cao hơn.

Theo số liệu của FAO, giá gạo giống Indica ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc tính đến tháng 9-2012 đạt mức khoảng 625 USD/tấn, cao hơn 40% giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam và cao hơn gần 5% giá gạo cùng loại của Thái Lan. Bằng cách thức này, Trung Quốc có thể nhập khẩu từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Pakistan…

Trong năm 2012, Thái Lan cũng đã và đang tiến hành chính sách trợ giá gạo cho người nông dân. Hậu quả xảy ra khi nước này “rớt” xuống hạng ba (sau Việt Nam và Ấn Độ) về lượng gạo xuất khẩu, đưa chính phủ Thái lâm vào thế “người buôn gạo” khổng lồ, ảnh hưởng nặng nề và gây bất ổn nghiêm trọng đến ngành kinh doanh lúa gạo quốc gia.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới đồng thời cũng là nước nhập khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO). Ảnh: ZHANG GUOQING, giải thưởng cuộc thi ảnh quốc tế của FAO 2004

Tuy nhiên, có ít nhất ba nguyên nhân để chúng ta khẳng định Trung Quốc sẽ không phải là một “Thái Lan số hai”. Thứ nhất, Trung Quốc không phải là người buôn gạo như Thái Lan, mà chính là người mua gạo. Chính sách thu mua gạo dự trữ giá cao của Trung Quốc càng khuyến khích sự hăng hái tham gia của giới kinh doanh và người nông dân sản xuất.

Thứ hai, nền kinh tế thứ hai thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo năm 2012 đạt khoảng 7,7%, năm 2013 là 8,2% (theo “Sách Xanh kinh tế” của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) sẽ khó có thể chịu nhiều tổn thương từ việc trợ cấp giá gạo và thực tế, đến nay chưa có một dự báo nào về hậu quả nhập siêu gạo của Trung Quốc. Hơn nữa, tỉ lệ xuất siêu các mặt hàng khác của Trung Quốc trên thế giới hiện nay là rất cao, dư khả năng bù đắp cho thâm hụt thương mại gạo. Điều này dễ thấy khi bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang gặp khó khăn, theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại nước này vẫn tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,5 ngàn tỉ USD.

Thứ ba, cơ chế cạnh tranh và cuộc chạy đua xuất khẩu gạo của Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan… trên thị trường thế giới trong năm 2012 (mà biểu hiện là sự thay đổi, bám sát nhau trên bảng tổng sắp) đã vô tình tạo thế “ngư ông đắc lợi” cho Trung Quốc nhập khẩu lượng gạo khổng lồ và giá rẻ. Điều đáng chú ý là trong khi nông dân các nước ASEAN phải “cắn răng” chịu mất đi thặng dư từ hạt gạo do giá xuất khẩu “rẻ bèo” thì nguồn thặng dư đó lại “chảy” vào túi nông dân Trung Quốc.

Khống chế “vành đai lương thực” châu Á

Ấn Độ, Pakistan cùng năm nước khu vực ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar với ưu thế về sản xuất lúa gạo tạo nên một “vành đai lương thực” quan trọng ở châu Á.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ tính bốn nước khu vực ASEAN là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Myanmar thì năm 2012 xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn gạo. Trong đó lượng xuất khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục 7,5 triệu tấn, còn Thái Lan dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng xuất khẩu của nước này cũng ở mức 6,5 triệu tấn, hứa hẹn bùng nổ vào năm 2013 nếu chính sách trợ giá nội địa bị hủy bỏ. Riêng Lào, thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư nước này, ông Bounthavy Sisouphanthong, trong cuộc họp với Thái Lan hồi tháng 7-2012 cho biết nước ông đặt mục tiêu trở thành nước xuất khẩu gạo năm 2013. Bên cạnh đó, hai nước Ấn Độ và Pakistan cũng được cho là đã xuất khẩu khoảng gần 12 triệu tấn trong năm 2012.

Như vậy, “vành đai lương thực” ở châu Á này có thể đảm bảo xuất khẩu trên dưới 27 triệu tấn trong năm 2012, đóng vai trò là “nồi cơm” của rất nhiều quốc gia. Thế nên việc thâu tóm “vành đai lương thực” quan trọng tại khu vực Đông Nam Á mang về cho Trung Quốc không ít lợi ích trong ngắn hạn lẫn lâu dài.

Thứ nhất, trong bối cảnh thế giới cảnh báo tình trạng khủng hoảng an ninh lương thực có thể xảy ra năm 2013 thì Trung Quốc vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực nội địa. Yếu tố an ninh lương thực sẽ là yếu tố quan trọng giúp ổn định tình hình kinh tế-xã hội Trung Quốc nếu khủng hoảng lương thực xảy ra. Trái lại, việc xuất khẩu gạo ồ ạt sang Trung Quốc của các quốc gia láng giềng có thể sẽ gây “chảy máu gạo” và ảnh hưởng an ninh lương thực nội địa trong dài hạn.

Thứ hai, giả thuyết về chính sách đầu cơ lúa gạo của Trung Quốc nhằm làm lũng đoạn thị trường lúa gạo thế giới, đặc biệt là các nước lớn về lúa gạo như Thái Lan, Việt Nam…, là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta đã không lạ gì các cụm từ “cá mập” tài chính, “cá mập” chứng khoán… Nếu trở thành “cá mập” trong dự trữ lúa gạo, cùng với sự “chống lưng” của nền kinh tế lớn, việc ảnh hưởng và quyết định giá gạo thế giới không chóng thì chầy sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Thứ ba, lương thực là một trong những vấn đề tối quan trọng nên an ninh lương thực hoàn toàn có thể ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến chính trị quốc tế. Việc nắm trong tay lượng gạo khổng lồ sẽ là một công cụ quan trọng để Trung Quốc có thể gây áp lực, ảnh hưởng đến các nước khác, đặc biệt khi các nước này gặp khó khăn hoặc khi khủng hoảng lương thực thế giới xảy ra.

Các nước ASEAN phải liên kết hơn nữa

Tháng 11-2012, tờ Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Campuchia Cham Praseth, “kế hoạch hợp tác lúa gạo giữa các nước ASEAN bị đóng băng” vì các nước này chưa sẵn sàng cho một “cuộc chơi chung”. Yêu cầu vượt qua rào cản lợi ích để tham gia liên minh chung của năm nước ASEAN chưa thể thực hiện được.

Ông Chao Phraya (thuộc tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Mekong) thì cho biết các nước tiếp tục kinh doanh hạt gạo theo kiểu truyền thống thay vì rụt rè bước vào một liên minh. Đó là lý do tại sao những ông lớn ngành lúa gạo ASEAN vẫn bị động trước Trung Quốc.

Năm 2013, FAO dự báo thương mại toàn cầu đạt 37,5 triệu tấn gạo, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Điều đó phản ánh sự mong muốn “thanh lý” hàng tồn kho của các nước, đặc biệt là Thái Lan với mục tiêu dự kiến khoảng 8 triệu tấn, Myanmar với mục tiêu tăng gấp đôi (khoảng 1,5 triệu tấn) vào thị trường Trung Quốc. Thế nên nếu không có giải pháp, giá gạo 2013 tiếp tục giảm theo cơ chế thị trường.

Làm thế nào để giá gạo ổn định và thặng dư hạt gạo tăng lên? Giải pháp xây dựng thể chế chung cho một “OPEC lúa gạo” khu vực ASEAN là một gợi ý cần được tiếp tục theo đuổi, trong đó yếu tố “đoàn kết” được xem là tối quan trọng. Đặc biệt, ASEAN với vai trò đầu tàu nhất thiết phải liên kết và tiến hành đàm phán đối tác với Ấn Độ, Pakistan để có thể thống nhất “vành đai lương thực châu Á”, đảm bảo các lợi ích chung về thế mạnh tuyệt đối trong xuất khẩu lúa gạo của khu vực.

Kịch bản “bẻ đũa” ASEAN ở vấn đề biển Đông cần được các nước ASEAN rút kinh nghiệm để có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thặng dư trong nền nông nghiệp lúa gạo.

ĐỖ THIỆN


Nguồn tin: phapluatvn.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 132


Hôm nayHôm nay : 10640

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 385983

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29803681

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên