11:10 ICT Thứ bảy, 20/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Lao động tiền lương - BHXH - Labor - salary - Law Social Insurance

Thiếu cơ chế xử doanh nghiệp phạm luật

Thứ năm - 18/11/2010 17:41
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Chưa có quy định thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn và việc xử lý tài sản còn lại như thế nào...

 

Sáng 17-11, tổ quản lý, thanh lý tài sản vụ án yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry (100% vốn Hàn Quốc, quận 8 – TPHCM, chuyên may đồ xuất khẩu) mới họp để bàn tính việc thanh lý tài sản công ty. “Như vậy, sau hơn 2 năm kể từ ngày giám đốc công ty bỏ trốn, tài sản công ty mới được xem xét thanh lý khi nhiều máy móc, tài sản đã bị xuống cấp trầm trọng; mối, mọt ăn hết”. bà Đỗ Thị Mỹ Dung, Trưởng Ban Thi đua – Chính sách LĐLĐ quận 8, thành viên tổ quản lý, thanh lý tài sản Công ty Vina Haeng Woon Industry, than thở.

Trong khi gần 1.000 công nhân Công ty Vina Haeng Woon Industry bị nợ lương, nợ BHXH thì tài sản của công ty này vẫn chưa được thanh lý
 
Người lao động cần, cơ quan chức năng không vội
 
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, giữa tháng 10-2008, bà Noh Yeon Hong, Giám đốc Công ty Vina Haeng Woon Industry, đã bỏ trốn trong khi nợ lương, BHXH của công nhân (CN) khoảng 4 tỉ đồng. Nhiều tháng sau đó, tài sản của công ty bị đơn vị cho thuê nhà xưởng “gom gọn” để lấy lại mặt bằng. Sau đó, LĐLĐ quận 8 đã đại diện cho gần 1.000 lao động của công ty kiện yêu cầu mở thủ tục phá sản để bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ). Trong khi NLĐ mòn mỏi chờ đợi thì hơn 2 năm sau, tổ quản lý, thanh lý tài sản Công ty Vina Haeng Woon Industry mới họp bàn phương án thanh lý tài sản.
 
Tương tự là trường hợp của Công ty Giày Anjin (quận Bình Tân - TPHCM). Do làm ăn thua lỗ, công ty nợ BHXH hơn 6,4 tỉ đồng, tiền thuê nhà xưởng khoảng 3 tỉ đồng. Tháng 10-2008, BHXH TP đã khởi kiện yêu cầu TAND TPHCM tuyên bố phá sản đối với Công ty Giày Anjin. Thời điểm đó, ông Eun Ho Kang, Tổng Giám đốc Công ty Giày Anjin, đã nói thẳng: “Tôi chỉ mong muốn được sớm phá sản để bán máy móc lấy tiền trả cho CN. Càng chậm, máy móc càng xuống cấp, thiệt thòi cho NLĐ”. Thế nhưng lời đề nghị đó chẳng được quan tâm đúng mức và mãi gần 2 năm sau (tháng 9-2010), tổ quản lý, thanh lý tài sản Công ty Anjin mới thanh lý toàn bộ tài sản của công ty Anjin được... 200 triệu đồng! Một cán bộ CĐ quận bức xúc: “Tòa án muốn giải quyết sớm cũng không được vì đến nay chưa có quy định thế nào là chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn và xử lý tài sản còn lại như thế nào. Nếu chủ DN quay trở lại cũng chưa biết xử lý ra sao”.
 
“Bó tay” với doanh nghiệp đối phó
 
Theo quy định hiện hành, trường hợp chủ DN chây ỳ không đóng BHXH, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH có quyền trích trừ tiền từ tài khoản DN chuyển thẳng cho tài khoản BHXH. Thế nhưng trên thực tế, quy định này rất khó thực hiện. Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết hiện không có quy định nào bắt buộc chủ DN phải công khai mọi tài khoản của DN cho Thanh tra Sở LĐ-TB-XH biết. Tại TPHCM, khi thanh tra yêu cầu, có DN công bố tài khoản chỉ còn vài chục ngàn đồng hoặc vài USD trong khi DN vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, có DN còn “chơi khăm” thanh tra lao động bằng cách cho tài khoản... giả. Mặt khác, nếu chủ DN chuyển toàn bộ tài sản của công ty vào tài khoản cá nhân chủ DN thì thanh tra biết cũng đành... bó tay vì pháp luật không cho phép trừ tiền từ tài khoản cá nhân chuyển cho cơ quan BHXH. Chưa kể, nhiều trường hợp DN bị  xử phạt hành chính cứ ỳ ra thì cũng không có cách cưỡng chế hiệu quả.
 
Một thực tế khác, có nhiều trường hợp DN thành lập, hoạt động và công khai vi phạm pháp luật nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết. Trường hợp Công ty HM Vina tại quận Tân Phú - TPHCM, suốt 7 năm trời không ký HĐLĐ với 130 CN mà các cơ quan chức năng từ phường đến quận, TP cũng chẳng hay biết là một điển hình. Chỉ khi báo chí phát hiện thông tin, các cơ quan chức năng mới vội vã vào cuộc thanh tra. Theo lý giải của một cán bộ Sở LĐ-TB-XH TPHCM, nhiều trường hợp được cấp phép đầu tư nhưng khi đi vào hoạt động không hề khai báo về lao động nên ngành LĐ-TB-XH không biết để “hậu kiểm”. Trong khi đó, với trên 140.000 DN đóng trên địa bàn TP, trong đó có khoảng 43.000 DN công nghiệp, thì thanh tra lao động không thể nào kiểm tra hết được.

Luật gia Lê Trúc Phương, Hội Luật gia TPHCM:

“Chùn tay” khi thực hiện pháp luật

Pháp luật cũng quy định việc DN chây ỳ đóng BHXH thì Thanh tra Sở LĐ-TB-XH có quyền rút giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn. Thế nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc rút giấy phép trong trường hợp này như thế nào. Đó là chưa kể nếu rút giấy phép thì ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn NLĐ ở DN đó nên có nhiều trường hợp cơ quan chức năng “chùn tay” khi thực hiện pháp luật.

 
 
Bài và ảnh: Nam Dương  

Nguồn tin: Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 69


Hôm nayHôm nay : 8337

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 285296

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 30133856

Giới thiệu

Giới thiệu về nghiepvuketoan.vn

Nhấp chọn link Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền Hoặc scan mã code Nghiepvuketoan.vn là trang web chuyên ngành tài chính kế toán, thuế và luật. Website bao gồm trang tin với những tin bài cập nhật thường xuyên phục vụ nhu cầu tham khảo chuyên ngành; Phần Diễn đàn thường xuyên giao...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến www.nghiepvuketoan.vn từ đâu?

Báo chí

Bạn bè giới thiệu

Công cụ tìm kiếm

Khác

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên