22:30 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin Tức » Kiểm toán

Những điều cần chú ý khi kiểm toán BCTC trong điều kiện kinh tế khủng hoảng

Thứ tư - 27/10/2010 10:23
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi bước đầu nhưng tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự có những chuyển biến rõ rệt. Mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi bước đầu nhưng tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Việt nam vẫn chưa thực sự có những chuyển biến rõ rệt. Những bất lợi của điều kiện kinh tế, những rủi ro từ thay đổi trong quy mô và hoạt động của các doanh nghiệp, những biến động lên xuống của thị trường đang đặt ra rất nhiều thách thức cho vấn đề tác nghiệp của các kiểm toán viên khi ngày kết thúc năm tài chính 2009, ngày 31/12 đang đến rất gần.

Tháng 4/2009 vừa qua, Hội đồng chuẩn mực kế toán Úc đã ban hành thông cáo “Những vấn đề kiểm toán viên cần quan tâm trong điều kiện kinh tế khủng hoảng”. Trong đó đưa ra những rủi ro nổi trội mà kiểm toán viên sẽ phải chú ý hơn khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009, từ khâu xem xét chấp nhận khách hàng, đến lập kế hoạch kiểm toán và kết thúc kiểm toán nhằm trợ giúp các kiểm toán viên trong điều kiện kinh tế khủng hoảng. Những vấn đề mà Hội đồng chuẩn mực kế toán Úc đưa ra không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi quốc gia mà nó cũng là những vấn đề mà nhiều nước khác cũng đang đối mặt, trong đó có Việt nam. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu và phân tích những rủi ro để nhận diện đúng rủi ro và đưa ra những hướng giải quyết phù hợp cho kiểm toán cuối năm 2009. Những rủi ro có thể kể đến là:

1.Xem xét chấp nhận khách hàng 

Rủi ro đầu tiên mà thông cáo đặt ra là rủi ro từ sự biến động về quy mô và hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2009 là năm mà nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc cơ cấu lại tổ chức nhằm giảm thiểu lao động dư thừa. Nhiều công ty sát nhập hoặc nhượng bán lại một phần doanh nghiệp trong khi nhiều công ty có khả năng mất tính thanh khoản do hàng không bán được, nhưng chi phí vẫn luôn phát sinh. Do đó, trong quá trình xem xét chấp nhận khách hàng, kiểm toán viên cần phải tìm hiểu về tình hình kinh doanh, mô hình hoạt động và tính chính trực của bộ máy quản lý của đơn vị. Đây là việc mà kiểm toán viên ngay trong điều kiện bình thường cũng phải làm cẩn thận. Tuy nhiên trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng như hiện nay thì kiểm toán viên cần phải đánh giá kỹ hơn những áp lực, thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải có khả năng ảnh hưởng đến tính chính trực của ban lãnh đạo khả năng xảy ra gian lận và liệu rủi ro kiểm tóan có thể được giảm thiểu đến mức chấp nhận được. Từ đó kiểm toán viên cân nhắc có nên chấp nhận kiểm toán hay không, kể cả đối với những khách hàng đã ký hợp đồng kiểm toán nhiều năm.

2.Tính hoạt động liên tục và rủi ro thanh khoản

Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp vẫn còn dư nợ từ năm trước với lãi suất cao trên dưới 20% trong khi nhu cầu thị trường vẫn chưa phục hồi. Do đó khi tìm hiểu đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên cần phải xem xét đến công tác quản trị rủi ro thanh khoản của công ty, xem xét dự đoán luồng tiền ra -tiền vào, khả năng thanh toán của công ty với các khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng kể từ ngày kết thúc niên độ  kế toán cũng như xem lại các kịch bản tình huống mà lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra để thử độ giãn (stress test) của tính thanh khoản của công ty có hợp lý không. Đối với các doanh nghiệp trong năm 2009 được hưởng lợi từ hỗ trợ lãi suất và giảm, giãn thuế thì việc đưa những điều kiện thuận lợi như vậy làm đầu vào cho việc dự đoán tính thanh khoản cho các năm sau liệu có hợp lý? Động thái tăng lãi suất cơ bản của NHNN lên 8% từ ngày 01/12/2009 dẫn đến việc cho vay doanh nghiệp của các NHTM cũng sẽ tăng. Liệu điều đó đã được phản ánh trong kế hoạch hoạt động của DN? Tại Việt Nam, tín dụng tăng trưởng đã quá nóng, tính đến tháng 11/2009 đã là 33,29%, dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng đang thắt chặt cho vay và đẩy lùi thời hạn giải ngân, do đó kiểm toán viên cần phải xem xét xem liệu việc này có ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp do thiếu hay chậm vốn hay không.

Ngoài ra đối với các doanh nghiệp cho phép khách hàng trả chậm thì kiểm toán viên cần phải xem xét đến rủi ro tín dụng mà doanh nghiệp có khả năng gặp phải từ những khoản phải thu thương mại này vì nó sẽ ảnh hưởng đến luồn tiền vào từ hoạt động bán hàng/dịch vụ. Đánh giá được rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp là một việc làm rất quan trọng trong việc xác định xem doanh nghiệp có khả năng hoạt động liên tục hay không. Do đó, trong điều kiện khủng hoảng tài chính, kiểm toán viên cần phải đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu như ngân hàng yêu cầu đối tượng được kiểm toán phải bổ sung tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng  đã từng có quan hệ lâu dài nay đột nhiên chấm dứt quan hệ tín dụng, doanh nghiệp bị phạt do vi phạm các điều khoản của hợp đồng cho vay, khách hàng hoặc nhà cung cấp quan trọng chấm dứt quan hệ kinh doanh, hợp tác; thanh lý nhiều máy móc, nhà xưởng đang dùng trong hoạt động sản xuất… Khi có những dấu hiệu này, kiểm toán viên cần phải tìm hiểu rõ bằng cách trao đổi với khách hàng và độc lập kiểm tra với bên thứ ba (ngân hàng, tổ chức tín dụng, khách hàng/nhà cung cấp của doanh nghiệp…) để có thể đưa ra được nhận định khách quan nhất về tính hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán. 

3. Lập kế hoạch kiểm toán 

3.1. Hệ thống Kiểm soát nội bộ

Khi đã chấp nhận kiểm toán BCTC của một doanh nghiệp (DN) thì phần lập kế hoạch kiểm toán cần chú trọng vào tìm hiểu về khách hàng, đặc biệt là tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB). Việc cơ cấu lại hay giảm thiểu lao động nhằm cắt giảm chi phí cũng có thể dẫn đến việc đánh đổi chốt kiểm soát ở một số khâu sẽ bị nới lỏng, thậm chí mất hẳn chốt kiểm soát. Ví dụ trước đây, hồ sơ xin cấp tín dụng mua hàng của khách hàng sẽ được các chi nhánh nhận và sau đó sẽ scan và truyền qua mạng nội bộ về hội sở. Bộ hồ sơ gốc sẽ được chuyển phát qua đường thư tín bảo đảm và sẽ có nhân viên chịu trách nhiệm so sánh, kiểm tra bản scan với hồ sơ gốc. Tuy nhiên do công ty cắt giảm nhân sự mà việc kiểm tra so sánh đã bị xao nhãng, dẫn đến rủi ro bản scan và bản gốc có thể không trùng khớp nhau. Do đó, kiểm toán viên cần phải đánh giá lại tính hiệu quả của các chốt kiểm soát đã bị nới lỏng và tăng cường kiểm tra cơ bản đối với những khâu mất hẳn chốt kiểm soát.

3.2. Mức độ trọng yếu

Sau khi đã tìm hiểu về hoạt động của đơn vị được kiểm toán, hệ thống kế toán, hệ thống KSNB và đánh giá rủi ro thì kiểm toán viên phải xác định được mức độ trọng yếu cho BCTC của đơn vị được kiểm toán. Trong tình hình hiện nay, cần phải xem xét đến sự thay đổi trong kỳ vọng của những người sử dụng thông tin tài chính của doanh nghiệp như nhà đầu tư, chủ nợ… Do sức ép từ thị trường tài chính, chứng khoán, từ sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên việc cho rằng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có động lực để “phù phép” báo cáo tài chính là có cơ sở. Cũng chính vì tâm lý này mà mức độ trọng yếu trong thời điểm này sẽ thấp hơn tại những thời điểm kinh tế bình thường khác do rủi ro kiểm toán cao hơn. Thêm vào đó, có những doanh nghiệp các năm trước đều lãi lớn nhưng năm nay lại lỗ hoặc lãi không đáng kể, do vậy cần phải xem xét lại cách định lượng mức độ trọng yếu cho BCTC. 

3.3. Chương trình kiểm toán

Khi lập chương trình kiểm toán cho các phần hành, kiểm toán viên cần phải tăng cường các thủ tục kiểm tra chi tiết đối với những khoản mục được xác định là trọng yếu và liên quan nhiều đến sự đánh giá chủ quan của người lập BCTC. Một số khoản mục cần được chú ý do chịu rủi ro thị trường giá như nợ phải trả bằng ngoại tệ, dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, lỗ lãi từ việc chuyển nhượng thoái vốn như trường hợp của Vinashin, SCIC và Bảo Việt. Đối với các khoản phải thu thương mại, cần xem xét đến khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp và tính hợp lý của dự phòng nợ xấu và dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào thị trường công cụ phái sinh thì cần phải xem xét đến giá trị hợp lý của các công cụ này tại ngày kết thúc năm tài chính. Đối với các tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tài chính thì xác định giá trị hợp lý cho các công cụ tài chính này sẽ do bên đối tác, thường là ngân hàng, cung cấp. Còn đối với các tổ chức tài chính thì kiểm toán viên cần xem xét lại giá trị đầu vào cho mô hình định giá giá trị hợp lý của các công cụ này, đặc biệt trong sự biến động tỷ giá như hiện nay.

Lý thuyết “Positive accounting” nên được vận dụng để phân tích các khoản mục có rủi ro sai sót cao, đặc biệt là hiện tượng “tát nước theo mưa”. Đây là hiện tượng mà kết quả năm nay không đạt được kế hoạch đặt ra do khủng hoảng tài chính, ban lãnh đạo quyết định sẽ ghi nhận thêm các chi phí như tăng dự phòng rủi ro hàng tồn kho, tăng dự phòng các khoản phải thu thương mại, tăng dự phòng bảo hành… Điều này dẫn đến các năm sau khi hoàn nhập sẽ tăng lợi nhuận của DN. Kiểm toán viên do đó cần đặc biệt chú ý đến những khoản mục mà có sự đánh giá chủ quan của người lập BCTC.

3.4. Nhân lực và vật lực

Nhân lực và vật lực của một cuộc kiểm toán trong điều kiện kinh tế biến động cũng khác với trong điều kiện bình thường. Khi các công ty đang gặp khó khăn để kinh doanh thì phí trả cho kiểm toán viên sẽ không tăng, thậm chí giảm đi so với năm trước. Trong khi đó do rủi ro kiểm toán tăng cao nên chất lượng kiểm toán viên cũng như thời gian của cuộc kiểm toán phải tăng lên. Rất nhiều kiểm toán viên ở nước ta với tuổi đời còn trẻ, chưa từng kiểm toán trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, do đó cần phải sử dụng thêm các kiểm toán viên dày dặn kinh nghiệm và tăng thời gian hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chất lượng của một cuộc kiểm toán lên so với điều kiện bình thường. Không chỉ vậy, với những phần hành phức tạp, cần phải có kiến thức chuyên và sâu như định giá một công trình xây dựng quy mô lớn thì cần phải có sự tham gia của các chuyên gia hoặc bên thứ ba có khả năng tư vấn . Thủ tục kiểm toán cơ bản cũng sẽ tăng lên, độ tin cậy đạt được dựa vào thủ tục kiểm soát giảm xuống, dẫn đến lượng thời gian của một cuộc kiểm toán cũng tăng thêm. Do đó, các công ty kiểm toán nên có các khóa đào tạo cho các kiểm toán viên về các rủi ro cơ bản mà các doanh nghiệp gặp phải trong khủng hoảng kinh tế, cũng như cách tiếp cận kiểm toán trong thời kỳ kinh tế biến động khác biệt ra sao so với kiểm toán trong điều kiện bình thường. Đặc biệt cần phải nhấn mạnh với các kiểm toán viên là hơn bao giờ hết, thái độ hoài nghi nghề nghiệp là rất quan trọng.

4. Trao đổi các vấn đề quan trọng phát sinh khi kiểm toán với  ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán

Khi lập kế hoạch kiểm toán và trong suốt quá trình kiểm toán, kiểm toán viên cần phải đánh giá rủi ro về những gian lận và sai sót có thể có, làm ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC và phải trao đổi với ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về mọi gian lận hoặc sai sót quan trọng phát hiện được. Trong điều kiện bình thường thì đây là việc mà kiểm toán viên phải làm theo yêu cầu của chuẩn mực số 260 của Việt Nam. Tuy nhiên trong điều kiện khủng hoảng tài chính, thị trường có nhiều biến động thì việc trao đổi thông tin này càng quan trọng hơn nữa và càng phải kịp thời hơn nữa. Lý do là bởi trong điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi, ban lãnh đạo chịu áp lực từ nhiều phía có thể không thể bao quát hết hoặc không biết có sai phạm trong nội bộ doanh nghiệp. Ngoài ra do tâm lý của người lao động bi quan về cắt lương và giảm thưởng, dẫn đến rủi ro đạo đức như thông đồng với nhau để tham ô tài sản doanh nghiệp hay giảm năng suất lao động, bỏ bẵng trách nhiệm của mình. Do đó kiểm toán viên có thể tăng thêm giá trị cho DN thông qua giúp lãnh đạo DN nhận biết được những sai sót, yếu kém đó một cách kịp thời, không chỉ qua thư quản lý khi kết thúc kiểm toán mà có thể trực tiếp và liên tục trong quá trình kiểm toán.

5. Gian lận

Phát hiện được gian lận luôn là một thách thức với các kiểm toán viên trong điều kiện kinh tế bình thường và càng trở nên khó khăn hơn trong điều kiện kinh tế khủng hoảng, khi mà nhân lực thì cắt giảm và các nhà quản lý thì chịu nhiều áp lực từ thị trường và cổ đông. Một số vấn đề mà kiểm toán viên nên chú ý như tăng thẩm quyền phán quyết và thẩm quyền can thiệp của quản lý viên và kiểm soát viên trên hệ thống; thay đổi nhân sự ở các vị trí chủ chốt trong năm; cắt giảm nhân lực ở các phòng có chức năng quản lý rủi ro như kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ; hay chỉ tiêu đặt ra tại đại hội đồng cổ đông quá cao và không được sửa đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế trong năm. 

Một trong những gian lận khó phát hiện là gian lận xuất phát từ chính ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán viên cần phải thu thập thêm thông tin về tính chính trực của ban lãnh đạo trong quá trình kiểm toán thông qua việc quan sát và đánh giá văn hóa doanh nghiệp, văn hóa lãnh đạo, môi trường làm việc, cơ chế lương thưởng và tuyển dụng của DN. Ngoài ra nên thu thập thông tin từ nhân viên cấp dưới, phỏng vấn riêng rẽ từng người trong ban lãnh đạo DN và so sánh thông tin cung cấp bởi họ xem có sự sai lệch, mâu thuẫn gì không.

Đối mặt với rủi ro gian lận, kiểm toán viên cần phải giữ được thái độ hoài nghi nghề nghiệp, cho dù đó là khách hàng lâu năm và trong quá khứ không có dấu hiệu gian lận nào dù là nhỏ ở cấp quản lý. Thêm vào đó, cần tăng cường sự trao đổi thông tin trong nội bộ nhóm kiểm toán, đặc biệt là trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện ra các giao dịch khác thường thì kiểm toán viên cần phải tìm hiểu rõ bản chất cũng như điều kiện phát sinh các giao dịch này.

Kiểm toán trong thời kỳ kinh tế biến động đòi hỏi kiểm toán viên phải ngồi lại và nghiên cứu lại mô hình hoạt động của khách hàng, phân tích xem những khó khăn và thách thức nào mà doanh nghiệp được kiểm toán đang gặp phải. Từ đó xác định ra khả năng dẫn đến những sai lệch trọng yếu của BCTC. Thái độ hoài nghi nghề nghiệp cần phải được đặt lên hàng đầu, luôn đặt câu hỏi về những cơ hội gian lận và bản chất của giao dịch cho từng bộ phận. Một việc không kém quan trọng nữa là việc “biết người, biết ta”, kiểm toán viên phải nhận biết được khả năng của mình, để biết khi nào cần đến sự tư vấn và trợ giúp của chuyên gia nội bộ hoặc chuyên gia thuê ngoài, để có thể đưa ra ý kiến hợp lý nhất khi kiểm toán trong điều kiện khủng hoảng tài chính như hiện nay./.

Theo Kiemtoan.com.vn

Nguồn tin: Tạp chí kế toán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Nội dung chính

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 45


Hôm nayHôm nay : 12910

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 388253

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 29805951

Giới thiệu

Giới thiệu về Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền

Hoặc linkThông tin cá nhân/Personal-InformationCÔNG VIỆC HIỆN TẠI Thạc sĩ Luật - Luật sư: ĐỖ TRỌNG HIỀN Phone/ zalo: 0917303340 - 0909164167 Mail: hienluatsu10031982@gmail.com Web: nghiepvuketoan.vn - dogialuat.vn Luật – Kế Toán – Kiểm toán – Thuế - Kiểm soát nội bộ - Phân tích tài chính – BHXH...

Thăm dò ý kiến

Nhận định của bạn về trang Web nghiepvuketoan.vn

Bổ sung kiến thức về pháp luật, thuế, kế toán, khác

Bình thường

Không mang lại lợi ích gì cả

Kế toán Online Vacom
Danh sách các trang web: Luật, thuế, kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp
Youtube Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền CTB Đỗ Gia Luật
Đỗ Gia CTB Chuyên nghiệp-Tận tâm-Bảo mật

Đăng nhập thành viên